Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ qua những con số
Bước ngoặt trong mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ diễn ra vào ngày 3/2/1994 khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Đến ngày 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Từ đó, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ liên tục phát triển mạnh, đặc biệt là quan hệ kinh tế.
Hơn 20 năm Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ đã đưa thương mại giữa hai nước từ con số không bùng nổ lên 36,3 tỷ USD vào cuối năm 2014; năm 2015 lên đến 41,43 tỷ USD; năm 2016 dự kiến đạt khoảng 46 tỷ USD. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại, nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Điều này phản ánh nét tiêu biểu nhất trong quan hệ kinh tế hai nước cả về quy mô và gia tăng tốc độ phát triển kinh tế. Các chỉ số thống kê thời gian qua cho thấy, Hoa Kỳ hiện là thị trường đứng thứ 2 trong các nước và vùng lãnh thổ về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đạt 38,5 tỷ USD chỉ đứng sau Trung Quốc với 57,6 tỷ USD.
Ông Bùi Quang Vinh-Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: “Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi để thích ứng thị trường Mỹ thời Donald Trump” |
Theo Bộ Công Thương, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có mức tăng trưởng mạnh so với các thị trường khác. Mặc dù xuất siêu sang Hoa Kỳ, nhưng tổng thị phần xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 2% trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ năm 2015.
Đây là thị trường có dung lượng nhập khẩu lớn, dân số đông, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu thụ ở mức cao. Phần lớn người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam.
Nếu như năm 1995, Việt Nam mới bắt đầu tiếp cận thị trường này thì vào thời điểm hai nước ký Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) năm 2000 cho đến nay, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ liên tục tăng qua hàng năm. Hoa Kỳ còn trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các mặt hàng như: May mặc, đồ điện tử, giày dép, gạo, cá…
Doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi để thích ứng thị trường Mỹ thời Donal Trump Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 45 đầy kịch tính vừa qua, tỷ phú Donald Trump sẽ trở thành chủ nhân của Nhà Trắng từ ngày 20/1/2017. Những thay đổi khi ông Trump lên lãnh đạo Mỹ ắt sẽ có tác động đến những nền kinh tế có mối quan hệ đối tác với Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Dưới góc độ của một nhà quản lý, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, phân tích: “Tại sao ông Trump lại trúng cử tổng thống Mỹ, bởi trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Trump đã quan tâm tới người nghèo, vốn dĩ là một lực lượng từ trước đến nay luôn được coi là đứng ngoài sự phát triển của nước Mỹ. Những bức xúc về vấn đề lao động, việc làm, thu nhập, chế độ phúc lợi xã hội… của người dân Mỹ đã được ông Trump khai thác một cách tối đa. Đặc biệt, người nghèo, người tàn tật…của nước Mỹ sẽ được hưởng và quan tâm hơn về y tế, giáo dục, việc làm…đã thuyết phục cử tri Mỹ. Cùng với đó, việc đưa nước Mỹ trở lại mạnh mẽ, đúng với vai trò là siêu cường của thế giới, trong chính sách đối ngoại lợi ích của Mỹ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương được ông Trump đặc biệt quan tâm”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Doanh nghiệp Việt Nam phải tìm giải pháp mới để mở rộng thị trường ưu đãi vào Mỹ, dù kém ưu đãi hơn so với TPP” |
Cũng theo nguyên Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Ngay từ khi ra tranh cử và chính thức trúng cử Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, ông Trump thuộc Đảng Cộng hòa và Đảng này nắm đa số tại nghị viện thì việc ra đời của TPP sẽ rất khó khăn. Cùng với đó, chủ trương bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước của Mỹ, không muốn chia sẻ quyền lợi của nước Mỹ cho ai khác như: không khuyến khích hiệp định tư do Bắc Mỹ, hủy bỏ TPP, dựng hàng rào thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ dễ bị hàng rào kỹ thuật của nước này cản trở, nên các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi để thích ứng thị trường Mỹ thời Donald Trump”.
“Ngoài ra, giá USD sẽ có những biến động lớn cùng với việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng nhất định đến tỷ giá USD với VND, xuất - nhập khẩu giữa 2 nước, đến sự biến động của giá vàng, của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là điều cần hết sức quan tâm đối với cơ quan chức năng, các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp có giao dịch thương mại với Hoa Kỳ” - Ông Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
“Nhưng giữa những tuyên bố cứng rắn và hiện thực hóa của ông Trump sẽ có khoảng cách nhất định, bởi những chính sách đó không phải lúc nào cũng được thực hiện một cách triệt để, bởi nó liên quan đến lợi ích của nước Mỹ trong cả vấn đề đối nội và đối ngoại giữa xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Từ đó, ông Trump sẽ phải có những điều chỉnh sao cho phù hợp nhất đảm bảo lợi ích của nước Mỹ. Điều quan trọng nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam là căn cứ vào thực tế để có những thay đổi phù hợp nhằm đưa hàng hóa của mình xâm nhập sâu hơn vào thị trường này”. Ông Bùi Quang Vinh nêu rõ.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Việc ông Trump lên lãnh đạo nước Mỹ sẽ có một bộ máy lãnh đạo mới thông qua việc chuyển giao quyền lực với người tiền nhiệm Obama. Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được kỳ vọng phát triển mạnh thông qua TPP. Nhưng TPP đã bị ông Trump bác bỏ thẳng thừng, thì thì doanh nghiệp Việt Nam phải tìm giải pháp mới để mở rộng thị trường ưu đãi vào Mỹ, dù kém ưu đãi hơn so với TPP, nhưng chiếm lĩnh rộng hơn vào thị trường thế giới bằng các hiệp định song phương”.
Thời gian ông Trump tiếp quản Nhà Trắng chỉ còn tính bằng ngày, với nhiệm kỳ 4 năm lãnh đạo nước Mỹ, ông Trump dù có những thay đổi như thế nào trong những chính sách lãnh đạo của mình cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần phải cập nhật, thay đổi để thích ứng thị trường Mỹ một cách hiệu quả nhất dưới thời Donald Trump.