Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nghiệp Việt tìm cách khai thác thị trường Halal

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngành công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) với quy mô hàng nghìn tỷ USD, sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu tăng kim ngạch. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tận dụng được cơ hội này.

Thị trường rộng lớn

Báo cáo của Tập đoàn IMARC, đơn vị nghiên cứu phân tích thị trường quốc tế và tư vấn cho thấy, năm 2022, quy mô thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal toàn cầu đạt tới 7.000 tỷ USD, dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028.

Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người, tổng giá trị lên đến 470 tỷ USD. Trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.

Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal tại Hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal tại Hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam

Thông tin của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu về sản phẩm Halal phát triển mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo, mà còn bởi những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… ngày càng ưa chuộng các sản phẩm Halal, do đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã hợp tác giao thương với Malaysia, Indonesia, Singapore trong chế biến, xuất khẩu sẽ giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sản phẩm Halal sang các nước Trung Đông và thâm nhập thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal tại Hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal tại Hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam

Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) Phạm Hoài Linh cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội sản xuất và xuất khẩu thực phẩm Halal nhờ vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong Nhóm công tác ASEAN về Thực phẩm Halal cũng tạo cơ hội kết nối Việt Nam với các thị trường Châu Á.

Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường

Mặc dù thị trường Halal rộng lớn sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên, thực tế xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường mới chỉ là bước đầu khai phá. Năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt 10,5 tỷ USD/năm.

Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Mydin Norman Rajen ABDullah (Malaysia) thông tin, để các hàng hoá, sản phẩm Halal Việt Nam có mặt tại hệ thống Siêu thị Mydin tại Malaysia, việc đầu tiên sản phẩm phải có chứng nhận phù hợp.

Tại Hội nghị Tìm hiểu thị trường Halal Singapore và kết nối doanh nghiệp 2 nước do Sở Công Thương Hà Nội và Thương vụ Việt Nam tại Singapore tổ chức, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cho hay, do khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là giấy chứng nhận Halal cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, giấy chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.

Đây là những nguyên nhân khiển mỗi năm, nước ta có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.  

Để đồng hành cùng doanh nghiệp, trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ tổ chức gian hàng tại một số hội chợ lớn tổ chức ở nước sở tại; thường xuyên tổ chức toạ đàm kết nối giao thương online đến các nhà nhập khẩu lớn của Singapore. Riêng trong năm 2023, thương vụ cũng sẽ tổ chức phiên tư vấn giới thiệu về quy định Halal của Singapore để giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thông tin về chứng nhận Halal.

Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc giới thiệu sản phẩm Đông trùng hạ thảo đạt tiêu chuẩn Halal tới đối tác tại Hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam
Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc giới thiệu sản phẩm Đông trùng hạ thảo đạt tiêu chuẩn Halal tới đối tác tại Hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, là doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung cấp sản phẩm Đông trùng hạ thảo, thông qua hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ của Sở Công Thương Hà Nội  tại Singapore và Malaysia, đơn vị đã có cơ hội tiếp cận kết nối trực tiếp với các đầu mối thu mua của đại siêu thị Mydin đưa sản phẩm vào thị trương Halal Malaysia.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, với sản phẩm Halal, Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển như dược phẩm, thực phẩm nên doanh nghiệp rất quan tâm tới chứng nhận Halal. Nhằm giúp doanh nghiệp tìm hiểu thông tin thị trường Halal, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia Hội chợ triển lãm nhượng quyền và cấp phép châu Á (FLAsia 2023), đồng thời tiếp cận hệ thống đại siêu thị Mydin chuyên cung cấp sản phẩm Halal tại Malaysia.

“Muốn đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị kinh doanh sản phẩm Halal, doanh nhiệp cần tham gia các hội thảo, hội chợ… liên quan đến thị trường để nắm bắt được nhu cầu của người Hồi giáo, từ đó đăng ký chứng nhận Halal. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp Việt tìm kiếm đối tác, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm trong thời gian sớm nhất”- bà Oanh khẳng định.