Doanh nhân 2023: Lấy đạo đức kinh doanh làm giá trị cốt lõi

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khó khăn, các doanh nhân với vai trò thủ lĩnh đã khẳng định bản lĩnh, đạo đức để cùng các cán bộ, nhân viên chèo lái con thuyền DN ổn định và phát triển

Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, nhiều DN đã chia sẻ về các dự định và kế hoạch vượt qua những khó khăn năm 2023.

Công nhân Công ty TNHH Quốc tế TYG (TYGICO) đang nhập hàng. Ảnh: Hoàng Anh
Công nhân Công ty TNHH Quốc tế TYG (TYGICO) đang nhập hàng. Ảnh: Hoàng Anh

Trưởng ban Viễn thông & Công nghệ thông tin EVN Nguyễn Xuân Tuấn:

Lấy khách hàng làm trung tâm phục vụ

EVN xác định "lấy khách hàng là trung tâm" để cung cấp các dịch vụ số có khả năng tương tác "mọi lúc, mọi nơi" như: Giúp người dân, khách hàng thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho khách hàng; không phải in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu giấy.

Trưởng ban Viễn thông & Công nghệ thông tin (EVN) Nguyễn Xuân Tuấn:. Ảnh: Hoàng Anh
Trưởng ban Viễn thông & Công nghệ thông tin (EVN) Nguyễn Xuân Tuấn:. Ảnh: Hoàng Anh

Năm 2022, tỷ lệ giao dịch ký hợp đồng mua bán điện theo phương thức điện tử đạt 99,15% (vượt 1,25% so với kế hoạch), tương ứng với khoảng 13,5 triệu trang hồ sơ điện tử khi thực hiện ký 960.000 hợp đồng mua bán điện mới và khoảng gần 1,2 triệu yêu cầu thay đổi các nội dung trong hợp đồng đã ký. Trong đó, các hồ sơ trước đây khách hàng phải cung cấp như chứng minh Nhân dân/căn cước công dân, sổ hộ khẩu, số tạm trú đã được thay thế bằng thông tin thông qua cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Chuyển đổi số đã giúp EVN đẩy mạnh việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện. Tỷ lệ yêu cầu đạt 99,91%. Năm 2022 bình quân thời gian cấp điện mới qua lưới trung áp là 2,79 ngày (giảm 0,27 ngày so với năm 2021), cấp điện mới qua lưới hạ áp cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố, thị xã, thị trấn là 2,3 ngày; khu vực nông thôn là 2,62 ngày; khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,59 ngày.

Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy:

Xuất phát từ người đứng đầu

Bản thân MISA là cung cấp, sản xuất phần mềm chuyển đổi số, giúp DN nâng cao năng suất. Tinh thần của MISA là phục vụ xã hội, trao những giá trị đó, giúp cho DN có những sản phẩm thực sự hữu ích để giúp cộng đồng DN cùng phát triển.

Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy:. Ảnh: Hoàng Anh
Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy:. Ảnh: Hoàng Anh

Trụ cột thứ 2 là con người, đây là yếu tố quan trọng. Con người bắt đầu phải từ người lãnh đạo với 6 chữ vàng: Trí - Dũng - Nhân - Công - Tâm - Chính. Đó là bộ quy tắc ứng xử bên trong và bên ngoài. Từ định hướng đó đặt ra những hướng đi, những hành động của mỗi tổ chức, mỗi con người trong tổ chức đó.

Trụ cột thứ 3 là quy trình, tích lũy từ kinh nghiệm của những người đi trước. DN muốn xây dựng được văn hóa phải xây dựng được quy trình trong tổ chức của mình. Trụ cột thứ 4 là công nghệ, nếu không có công nghệ thì không thể rút ngắn được quá trình xây dựng và phát triển văn hóa...

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và phát triển công nghiệp Việt Nhật (Indema) Nguyễn Thu Hồng:

Lấy đạo đức kinh doanh làm giá trị cốt lõi

Là DN gia công kim loại tấm, xử lý bề mặt sơn tĩnh điện, mạ kẽm phủ crom, với tình hình khó khăn thách và đầy thách thức như hiện nay, Indema lấy giá trị cốt lõi (INTEGRITY) làm đạo đức kinh doanh để sống còn.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và phát triển công nghiệp Việt Nhật (Indema) Nguyễn Thu Hồng. Ảnh: Khắc Kiên
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và phát triển công nghiệp Việt Nhật (Indema) Nguyễn Thu Hồng. Ảnh: Khắc Kiên

DN thực hiện phương châm “nói là làm”, cam kết giữ chữ Tín với tất cả các bên liên quan: Giao hàng đúng hạn, đảm bảo chất lượng đối với khách hàng; Thanh toán công nợ đúng hạn đối với nhà cung cấp; Không chậm lương đối với người lao động…

Hiện, các DN gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, siết chặt công nợ, yêu cầu thanh toán trước khi nhận hàng, ngân hàng ngừng giải ngân hoặc hạn chế tối đa hạn mức tín dụng… Thực tế, DN không thể yêu cầu tăng giá đối với các khách hàng truyền thống lâu dài mà hầu hết các trường hợp đều phải bình ổn giá bán. Trong khi đó, giá nhân công, giá thuê nhà xưởng, giá nguyên vật liệu chính của DN như sắt thép, bột sơn… lại không ngừng tăng do đang phụ thuộc chính vào việc nhập khẩu.

Trong dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần sản xuất và phát triển công nghiệp Việt Nhật (Indema). Ảnh: Khắc Kiên
Trong dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần sản xuất và phát triển công nghiệp Việt Nhật (Indema). Ảnh: Khắc Kiên

Tuy nhiên, nhờ vào sự uy tín, cam kết, Indema đang tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ các đối tác. Bước sang năm mới, để vượt qua khó khăn, DN mong muốn được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc kiểm soát, bình ổn giá thuê đất, giá nhân công… hay các chương trình hỗ trợ phát triển DN như chương trình cải tiến, chuyển đổi số… cần được chia thành các giai đoạn đào tạo, thực thi, đánh giá kết quả để DN có thể tham gia dài hơi hơn là dừng lại ở mức độ đào tạo 1 vài tuần rồi ngừng như hiện nay.

Đồng thời đề xuất, đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp chế biến khoáng sản tinh, nội địa hóa sản xuất nguyên vật liệu. Qua đó, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu để giúp các DN sản xuất tiết giảm chi phí đầu vào, duy trì hoạt động qua giai đoạn khó khăn chung, tiến tới thu được lợi nhuận cao hơn để đem lại đời sống tốt hơn cho người lao động và đóng góp nhiều hơn cho xã hội trong tương lai.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế TYG (TYGICO) Nguyễn Xuân Thăng:

Kiên định với chiến lược kinh doanh bằng cái tâm

Các DN trong nước, cũng như TYGICO chuyên nhập khẩu, dự trữ thép không gỉ đều gặp phải những khó khăn nhất định về nguồn cung hàng hóa bất ổn, giá cả lên xuống thất thường; các thị trường thường xuyên bị ảnh hưởng dẫn đến sản lượng đầu ra giảm sút.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế TYG (TYGICO) Nguyễn Xuân Thăng. Ảnh: Hoàng Anh
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế TYG (TYGICO) Nguyễn Xuân Thăng. Ảnh: Hoàng Anh

Ngoài ra, các vấn đề liên quan tới thị trường tài chính cũng mang lại những bất lợi không nhỏ cho DN về hạn mức tín dụng bị thu hẹp, lãi suất cho vay tăng chóng mặt, các đối tác cũng đối mặt với khó khăn và không ít DN lâm vào tình trạng bị rối loạn khả năng luân chuyển tiền tệ...

Đứng trước các khó khăn và thách thức trên, TYGICO cũng phải đối mặt với nhiều lựa chọn. Nhưng trên hết, TYGICO vẫn kiên định với chiến lược kinh doanh bằng cái Tâm theo đúng tôn chỉ mục đích. Thứ nhất, đối với khách hàng, TYGICO luôn đảm bảo cung cấp hàng đạt tiêu chuẩn với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không đánh đổi thương hiệu và uy tín bằng nguồn hàng giá rẻ kém chất lượng.

Thứ hai, đối với các đối tác, nhà cung cấp, TYGICO luôn thực hiện đầy đủ các cam kết như đã ký, kịp thời trao đổi thông tin để tìm ra những giải pháp phù hợp và có lợi nhất cho cả hai phía. Thứ ba, TYGICO không ngừng hoàn thiện nội bộ DN trên mọi lĩnh vực, từ quy trình, hệ thống quản lý tới việc cải tiến không ngừng về con người, cơ sở vật chất… nhằm nâng cao hơn nữa hiệu suất hoạt động, mang đến những giá trị cao nhất trong công việc. Giữ vững định hướng thực hiện các mục tiêu, giá trị cốt lõi xuyên suốt của công ty, đó là 5G (5 Good) sản phẩm tốt, dịch vụ tốt, giao hàng nhanh, giá cạnh tranh, dự trữ tốt.