Giữa khó khăn, ngân sách bội thu 280.000 tỷ đồng
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm 2022 – một năm nhiều khó khăn, thách thức với những biến động phức tạp, khó lường của tình hình khu vực và thế giới. Lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực…
Vốn được coi là biểu tượng của ngành công nghiệp, nhưng năm 2022, các DN ngành thép cũng phải lao đao khi đón nhận dồn dập khó khăn như như chiến tranh, suy thoái kinh tế sau Covid-19 và lạm phát, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực có dư âm dài hạn.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ, năm 2022 có thể nói là năm khó khăn đỉnh điểm của ngành thép. Đầu tiên là nhu cầu giảm mạnh ở thị trường toàn cầu do khó khăn hậu Covid-19, trong đó có thị trường lớn nhất Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid. Thứ 2 là giá than - nguyên nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao trong quá trình sản xuất gang thép tăng chóng mặt do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bên cạnh đó, chi phí logistics đội gấp 3 - 4 lần, khiến ngành thép rơi vào cơn bĩ cực. Tuy vậy, với sự linh hoạt chuyển hướng kinh doanh, DN này đã nỗ lực vượt khó, đóng góp tích cực cho ngân sách. 9 tháng đầu năm 2022, Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước 9.381 tỷ đồng.
Không chỉ riêng tập đoàn Hòa Phát, các DN trong nước đã phải nỗ lực, căng sức chống dịch và ổn định sản xuất, nhanh chóng chuyển hướng kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Nhờ đó, 11 tháng qua, nền kinh tế đã đạt được nhiều con số tăng trưởng ấn tượng. Tổng thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,1% dự toán, tăng 17,4% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 110,5% dự toán, tăng 13,5%; thu từ dầu thô vượt 144,6% dự toán, tăng 77,6%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 132,4% dự toán, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu ngân sách, tính đến ngày 17/11, cơ quan thuế Hà Nội thu được tổng số 268.056 tỷ đồng, đạt 95,1% dự toán, tăng 2% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện 128.282 tỷ đồng - bằng 47,9% tổng thu, đạt 94,7% dự toán, tăng 0,8% so cùng kỳ. Với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh thu 57.278 tỷ đồng - đạt 104,7% so dự toán, tăng 3% so cùng kỳ và bằng 44,7% tổng thu từ khu vực sản xuất kinh doanh.
Tăng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách Nhà nước 11 tháng vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP 9 tháng đã tăng 8,83%); tổng mức bán lẻ 11 tháng tăng 17,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,6%, xuất khẩu tăng 13,4%, xuất siêu 10,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, cơ quan thuế, hải quan cũng tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Nhờ đó, đến nay đã có 10 khoản thu vượt dự toán, trong đó thu tiền sử dụng đất đạt 136,1%; thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết đạt 110,7% và các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 03 khu vực kinh tế (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 104,3% dự toán, tăng 7,1%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 106,4% dự toán, tăng 10,2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 111,6% dự toán, tăng 9,2%). Còn 2 khoản thu đến nay chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 68% dự toán, bằng 76,4% so cùng kỳ) và thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN (đạt 11% dự toán). Đáng chú ý thu từ khu vực sản xuất, các nguồn thu bền vững tăng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, thu ngân sách Nhà nước 11 tháng vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP 9 tháng đã tăng 8,83%). Ngoài ra, tổng mức bán lẻ 11 tháng tăng 17,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,6%, xuất khẩu tăng 13,4%, xuất siêu 10,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.
“Nhờ thu ngân sách tích cực, qua đó chúng ta đảm bảo cân đối lớn cho nền kinh tế và dành nguồn thực hiện chính sách tiền lương, tăng thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, phấn đấu thu vượt mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng 2022 ghi nhận nhiều điểm sáng nổi bật với kim ngạch xuất nhập khẩu vượt cả năm 2021, thặng dư thương mại đạt 10,6 tỷ USD; giải ngân vốn FDI đạt 19,68 tỷ USD cao nhất 5 năm qua. Có thể thấy, kết quả thu ngân sách Nhà nước tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, bền vững khi tỷ trọng các khoản thu từ thuế, phí có xu hướng tăng mạnh và tỷ trọng thu từ tài nguyên - đất đai tiếp tục giảm...
Đây là minh chứng rõ nét nhất của các nỗ lực điều hành kinh tế vĩ mô, chống lạm phát và những gói hỗ trợ kích thích phục hồi kinh tế của Quốc hội, Chính phủ thực hiện trong suốt 11 tháng qua. Điều này cũng góp phần cân đối cán cân thu chi và Chính phủ có thêm nguồn lực để sẵn sàng đối mặt với những biến động khó lường của kinh tế thế giới trong năm sau.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý. Các loại thị trường, lưu thông dòng tiền của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất công nghiệp tổng thể vẫn tăng nhưng đang có xu hướng giảm. Việc triển khai một số nhiệm vụ của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều DN còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng.