Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Doanh nhân và khát vọng thịnh vượng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 19 năm, vào ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hàng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Đây cũng là ngày mà vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò của giới doanh nhân và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của DN với sự phát triển của đất nước.

Năm1986, kinh tế đất nước ta và đời sống của người dân bủa vây trong sự khó khăn. Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thời điểm đó như làn gió mùa Xuân đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế. Đặc biệt, việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Đầu những năm 1990, trong toàn quốc chỉ có khoảng 5.000 DN tư nhân. Cho đến hôm nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900.000 DN, tạo thành lực lượng hùng hậu góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Quy mô GDP của nước ta đã nằm trong top 40 thế giới; quy mô thương mại quốc tế cũng nằm trong top 20 toàn cầu. Đời sống Nhân dân được cải thiện vượt bậc…

Trong sự lớn mạnh của cộng đồng DN, các doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập.
Trong những năm qua, sự phát triển của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Chỉ cách đây ít hôm, vào ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết mới giống như một “món quà đặc biệt” dành cho cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, hứa hẹn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của doanh nhân nước nhà, góp phần xây dựng đội ngũ DN Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thực tế, từ thời kỳ Đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng DN, đồng hành cùng doanh nhân phát triển kinh tế. Dù vậy, từ cơ chế, chính sách đến hiệu quả thực tiễn đôi lúc chưa đáp ứng kỳ vọng. Đó là lý do mà mỗi năm vẫn có hàng vạn doanh nhân rút lui khỏi thị trường, DN ngừng hoạt động, giải thể.

TS Võ Trí Thành - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư mới đây nhận định, nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức, ít nhất là cho đến giữa năm 2024. Điều đó đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân.

Việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được xem là một trong những giải pháp tiên quyết. Cùng với đó, các bộ, ngành cần thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0…

Và đến sau cùng, Ngày Doanh nhân Việt Nam cũng là dịp để các doanh nhân cùng nhau tập hợp, suy ngẫm mình đã làm được gì và cần tiếp tục làm gì để giúp cho nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, để thúc đẩy Việt Nam sớm sánh vai với các cường quốc năm châu, như lời căn dặn của Bác: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.