Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dồi dào nguồn hàng phục vụ Tết

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng mạnh, nhưng ngành công thương Hà Nội cam kết bảo đảm đủ hàng cung ứng cho thị trường. Lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất 2018.

Trên 26.000 tỷ đồng dự trữ hàng hóa
Theo dự báo của Sở Công Thương, nhu cầu gạo sẽ tăng từ 5 - 7% , thịt lợn tăng 18 - 20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau củ quả tăng 10 - 15%... Tuy nhiên, khả năng sản xuất đáp ứng các mặt hàng thiết yếu chỉ được 50 - 65% nhu cầu tiêu thụ của Nhân dân trên địa bàn TP.

Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho hay, dịp Tết không tránh khỏi sự biến động về giá cả các loại mặt hàng thiết yếu. Trong kế hoạch triển khai công tác phục vụ Tết Mậu Tuất 2018, TP sẽ cố gắng ổn định giá các mặt hàng, hạn chế tình trạng khan hàng, tăng giá. Để làm được việc này Sở Công Thương đã chỉ đạo, phối hợp các DN triển khai kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành. Theo đó, dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 trị giá 26.000 tỷ đồng, tăng 10% so Tết Đinh Dậu 2017.

Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh chọn mua hàng tại phiên chợ Việt tổ chức trên địa bàn. Ảnh: Phạm Hùng

Để người tiêu dùng mua được hàng bảo đảm chất lượng, đúng giá, ngành công thương và các DN bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hệ thống trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm. Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với DN tổ chức phiên chợ Việt, bán hàng lưu động tại các huyện, khu công nghiệp. Đặc biệt thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho DN bình ổn giá dịp Tết, TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay ngân hàng lãi suất hợp lý.

Doanh nghiệp tích cực chuẩn bị

Đến thời điểm này, nhiều DN đã có kế hoạch triển khai dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết: Hapro lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: Thịt bò, lợn, trứng, thủy sản… tổng trị giá trên 1.000 tỷ đồng, tăng 5% so với Tết Đinh Dậu 2017. Hay hệ thống Fivimart cũng đã dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết trị giá gần 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; siêu thị Co.opmart đã chuẩn bị nguồn cung rau từ miền Nam để đảm bảo cung ứng cho thị trường Hà Nội. Theo Giám đốc Quan hệ công chúng và Đối ngoại hệ thống siêu thị Big C Hồ Quốc Nguyên, Big C đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp trong đó chú trọng các DN Việt. Riêng thịt gia súc, gia cầm tươi sống được chuẩn bị với số lượng 400 - 500 tấn.

Thông tin từ các DN bán lẻ cho thấy, để đảm bảo lượng hàng hóa, nhất là với những nhóm hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, hiện nhiều DN đã chủ động khai thác nguồn hàng từ các tỉnh. Trong đó, hàng rau, củ, quả từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hải Dương, Sơn La; với mặt hàng thịt lợn, gà từ các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Bên cạnh sự chuẩn bị của các DN, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính và các ban ngành liên quan theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho DN. “Sở Công Thương sẽ mở thêm kênh để tiếp nhận thông tin, báo cáo khu vực nào có biến động về giá bất thường để chỉ đạo điều tiết hàng hóa hỗ trợ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường” - Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng khẳng định.
Theo Sở Công Thương, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị cho thị trường Tết Mậu Tuất tại Hà Nội: Gạo 193.600 tấn; thịt lợn 50.000 tấn; thịt gà 14.000 tấn; thịt bò 13.800 tấn; trứng gia cầm 200 triệu quả; 220.000 tấn rau củ; thực phẩm chế biến 12.000 tấn; thủy hải sản 12.000 tấn; 3.000 tấn bánh mứt kẹo;...