Nâng cao quy mô, chất lượng
Cuối tháng 6 vừa qua, tại chợ đầu mối nông sản quốc tế Rungis (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra buổi trình diễn ẩm thực do đầu bếp nổi tiếng Federic Jaunault thực hiện. Tất cả những món ăn tinh tế mà người đầu bếp này thể hiện đều làm từ các loại nông sản, hoa quả Việt Nam do HPA và 11 DN Hà Nội giới thiệu với người tiêu dùng Pháp.
Người tiêu dùng Nhật Bản tiếp cận hàng Việt tại Tuần lễ hàng Việt Nam - Hà Nội 2018 tổ chức tại AEON Nhật Bản. Ảnh: Lê Nam |
Việc quảng bá nông sản Việt bằng hình thức trình diễn nghệ thuật ẩm thực đã mang lại hiệu ứng tốt với DN bán lẻ Pháp, qua đó đưa sản phẩm vào chợ đầu mối Rungis.
Đây không phải lần đầu HPA tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Pháp. Năm 2018, qua Tuần hàng nông sản Việt Nam tại chợ Rungis, DN Việt Nam đã giao dịch, kết nối, đàm phán với hơn 100 DN nhập khẩu nông sản Pháp.
Một số DN như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH True milk, Công ty Ban Mai… đã kết nối tiêu thụ nông sản, hoa quả, sữa, trái cây đóng hộp. Mới đây, HPA tiếp tục tổ chức Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội 2019 tại hệ thống phân phối của Tập đoàn AEON (Nhật Bản), qua đó đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị AEON tiêu thụ.
Trước đây, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại thường được triển khai theo từng lĩnh vực, thị trường riêng lẻ nên kết quả đạt được không như mong muốn. Do đó HPA đã đổi mới bằng cách thực hiện trực tiếp vào các thị trường trọng tâm, trọng điểm như Nhật Bản (thông qua Tập đoàn AEON), châu Âu (chợ đầu mối Rungis), Hàn Quốc (thông qua Tập đoàn Lotte…, giúp DN đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối lớn tiêu thụ, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế tham gia vào các dự án quan trọng của Hà Nội.
Không chỉ triển khai các hoạt động xúc tiến quốc tế, thời gian qua, HPA đã triển khai nhiều hoạt động kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước trong việc quảng bá tiêu thụ nông sản, đặc sản vùng miền, thu hút khách du lịch.
Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thông qua từng hoạt động cụ thể, có thể thấy công tác xúc tiến của Hà Nội đã đổi mới theo hướng nâng cao về quy mô, chất lượng và tính chuyên nghiệp, qua đó đạt hiệu ứng xúc tiến cao, tiết kiệm kinh phí.
Tăng tính chuyên nghiệp
Những kết quả trong công tác xúc tiến đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp DN ký kết nhiều hợp đồng lớn, quan trọng hơn cả giúp DN thay đổi tư duy về đầu tư công nghệ sản xuất, thiết kế mẫu mã hàng hóa, chất lượng sản phẩm xuất khẩu tới các thị trường trọng điểm.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aligro Hoàng Văn Linh chia sẻ, qua sự hỗ trợ, hướng dẫn của HPA cũng như các sở, ngành TP, DN đã nghiên cứu kỹ về dòng sản phẩm, nguyên liệu, phong cách mà từng thị trường mong muốn trước khi đem sản phẩm tham gia các hoạt động xúc tiến. Qua đó, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, giúp tỷ lệ ký kết thành công các hợp đồng xuất khẩu, cung ứng cao hơn.
Khi nói về hiệu quả hoạt động Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tổ chức tại AEON, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Shiotani Yuichiro cho biết, thông qua việc hợp tác với HPA, Tập đoàn AEON đã xây dựng một kế hoạch dành riêng cho DN Việt.
Trong đó, bên cạnh các hoạt động xúc tiến, AEON còn hỗ trợ kỹ thuật cao nhằm nâng năng lực sản xuất của các DN này theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn của AEON và thị trường Nhật Bản.
Các giải pháp đổi mới, nâng cao tính chuyên nghiệp hoạt động xúc tiến đã góp phần vào kết quả phát triển chung của TP. Đơn cử, vốn thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đã tăng dần từng năm, nếu như năm 2016 TP Hà Nội thu hút 3,11 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài thì năm 2018 đã tăng lên 7,5 tỷ USD, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt 5,3 tỷ USD. Lượng khách du lịch đến với Thủ đô cũng tăng mạnh qua từng năm, từ 21,8 triệu lượt khách năm 2016 lên 26,3 triệu lượt khách năm 2018...
Tuy nhiên, đại diện HPA thừa nhận, hiện năng lực, trình độ của cán bộ làm công tác xúc tiến còn nhiều hạn chế, nhất là kỹ năng làm việc với các đối tác quốc tế, tổ chức sự kiện tại nước ngoài. Bên cạnh đó, việc rà soát, nắm bắt quá trình triển khai dự án sau khi thu hút đầu tư còn chưa sát sao, chưa kịp thời nhằm gỡ khó cho DN. Ngoài ra, nhiều DN còn chưa ý thức được đúng vai trò, tầm quan trọng của công tác xúc tiến nên chưa chủ động tham gia.
Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương cho biết, nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn này, trong thời gian tới HPA sẽ tập trung hoạt động xúc tiến vào mục tiêu thu hút đầu tư ngành thương mại, dịch vụ, công nghệ cao…
Trong lĩnh vực thương mại, Hà Nội sẽ tăng cường các hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu… từ đó DN có cơ sở định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục quảng bá cho hàng hóa, điểm đến, dịch vụ du lịch của Hà Nội và đất nước tại các thị trường trọng điểm qua đó phát huy thế mạnh thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội.
Trong cuộc làm việc mới đây với HPA, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu HPA cần tiếp tục so sánh, đánh giá mô hình hoạt động của Trung tâm, học hỏi những mô hình tương tự trên thế giới để khắc phục những nhược điểm, tăng tính hiệu quả trong hoạt động xúc tiến, đáp ứng yêu cầu của TP.
HPA và các sở, ngành liên quan cũng cần rà soát lại quy chế phối hợp, chú trọng công tác xây dựng dữ liệu, trao đổi thông tin để tăng tính kết nối, đồng bộ. Có như vậy mới góp phần đưa thế giới đến với Hà Nội và đem hàng hóa của Hà Nội tới người tiêu dùng quốc tế.
"Thực tế cho thấy, việc đưa hàng vào hệ thống AEON không hề dễ dàng khi yêu cầu về chất lượng, mẫu mã sản phẩm khá cao. Tuy nhiên, việc đáp ứng tiêu chí xuất khẩu sang Nhật Bản là cơ hội để DN nhìn nhận lại bản thân, nhận thấy được yêu cầu, đòi hỏi của các tập đoàn lớn của quốc tế, từ đó điều chỉnh chiến lược để phát triển và hội nhập." - Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Hòa Bình Dương Thị Chỉnh |