Đó là tinh thần chỉ đạo chung của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên họp tập thể UBND TP ngày 28/4, khi cho ý kiến vào Quy hoạch (QH) phát triển Điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020, có xét đến năm 2035, do Sở Công thương xây dựng cũng như các nội dung liên quan về xây dựng cơ chế chính sách của TP.
Điện đi trước một bước
Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội là vô cùng quan trọng. Do vậy, QH điện phải đi trước một bước và việc đầu tư của ngành điện đích hướng tới phục vụ cho phát triển của TP thông minh. Việc đầu tư xây dựng cũng như cải tạo, cần ứng dụng khoa học tiến tiến để xây dựng hệ thống lưới điện đa mạch vòng, nghĩa là khi gặp sự cố mất điện vẫn có điện dự trữ phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của Nhân dân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp UBND TP ngày 28/4.
|
Cùng với việc xây dựng QH, ngành điện tiếp tục đầu tư, nâng cấp mở rộng hệ thống mạng lưới điện hiện có: các trạm điện, hạ ngầm; xây dựng các tuyến điện lưới, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển. “Trong cải tạo đều cần sử dụng công nghệ mới phù hợp giai đoạn hiện nay, tiết kiệm đất, sử dụng công suất lớn hơn, thiết bị tiết kiệm điện năng”, Chủ tịch yêu cầu.
Đồng chí cũng đề nghị, Công ty tuyền tải điện (TCty Điện lực Việt Nam) và Sở Công Thương cùng Điện lực TP phối hợp, thống kê toàn bộ cơ sở hạ tầng điện trên địa bàn; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các dự án, hạng mục trên địa bàn theo QH đã phê duyệt, trong đó chú trọng thực hiện GPMB, hỗ trợ đất đai đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời bổ sung, hoàn chỉnh QH, đáp ứng ứng nhu cầu phát triển lâu dài của Thủ đô để phê duyệt.
Học những mô hình hay
Cho ý kiến vào Quy hoạch phát triển Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN) TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, đây là nhưng QH rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài và hội nhập của Thủ đô. Do vậy, việc lập QH phải đổi mới tư duy. Theo Chủ tịch trong QH này phải hội tụ đủ 4 yếu tố, bảo đảm đầu tư đồng bộ, hiện đại, bảo đảm môi trường sống và làm việc của người lao động. “Tới đây, những sản phẩm của chúng ta làm ra mà thiếu những yếu tố trên thì thị trường châu u, Mỹ và các nước tiên tiến không thừa nhận” - Chủ tịch TP cảnh báo.
Theo đó, trong QH này cần, xây dựng cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư theo hướng chuyên nghiệp tập trung thành đầu mối chính, có nhà đầu tư chuyên đầu tư hạ xây dựng hạ tầng kỹ thuật; thiết kế lắp đặt xây dựng nhà xưởng, xử lý môi trường và đặc biệt QH phải có cơ sở hạ tầng xã hội, như nhà ở, trường học, nơi sinh hoạt văn hóa cộng động, nghỉ dưỡng để phục vụ công nhân, người lao động tại chỗ. Ngoài ra, QH cần phải điều tra nghiên cứu, phân kỳ hoạt động giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm… Qua đó, đưa ra những dự báo hướng phát triển, nguồn nhân lực đi kèm phục vụ của các KCN, CCN.
“QH là vấn đề phát triển lâu dài, nếu không đúng, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của DN, lãng phí của Nhà nước và xã hội. Do vậy cần phải lựa chọn nhưng mô hình xây dựng và quản lý KCN, CCN tiên tiến, hiệu quả để ứng dụng. Cần thiết, chúng ta phải đi học thiên hạ (trong và nước ngoài)” - Chủ tịch nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch đề nghị cơ quan soạn thảo, tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ kết quả hoạt động của các KCN, CCN trên địa bàn, trong hơn 20 năm qua. Để từ đó, bổ sung, điều chỉnh vào QH này, đáp ứng với nhu cầu phát triển và hội nhập khu vực và quốc tế của Thủ đô.
Tương tự, cho ý kiến vào Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình “Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh với cơ quan soạn thảo, đây là Quy chế rất quan trọng thu hút đầu tư của các DN (trong và ngoài nước), bao trùm cả thương mại, du lịch, kêu gọi đầu tư… Đề nghị, cơ quan soạn thảo, cần bám sát chỉ đạo của TP, tiếp tục thâm nhập, khảo sát và học tập các mô hình hoạt động hiệu quả về xúc tiến đầu tư (trong và ngoài nước). “Đặc biệt là phải thiết lập chặt chẽ các tổng lãnh sự, cơ quan thương mại thuộc Đại sứ Việt Nam ở các nước cũng như các tổ chức kinh tế, hiệp hội DN trong và ngoài nước trên địa bàn Thủ đô để bổ sung, hoàn thiện Quy chế này” - Chủ tịch TP chỉ đạo.
Tập trung mở rộng Nhà tang lễ Quốc gia
Cùng ngày, phiên họp đã nghe và xem xét cho ý kiến vào: Phương án (PA) mở rộng Nhà tang lễ Bệnh viện TƯ quân đội 108 (tại số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng), thực hiện theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ về Kết luật của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Thường trực Chính phủ (tháng 7/2015) về Quy hoạch chi tiết mở rộng đối với Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thành Tông) . Theo PA mở rộng, diện tích ranh giới Nhà tang lễ số 5 là 11.156m2, (gồm diện tích đất của CTy CP Dược phẩm TW2 và CTy CP Đầu tư phát triển Bình An và 845m2 đất của 20 hộ dân khu vực liền kề (theo đề nghị của Bộ Quốc phòng tại văn bản 2146/BQP ngày 16/3/2016).
Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung, nhấn mạnh đây là dự án quan trọng của Chính phủ, đề nghị đại diện Bộ Quốc phòng cùng các cấp các ngành và chính quyền địa phương tăng cường phối hợp để triển khai PA. Trong đó chú trọng, tìm các giải pháp cùng các bên liên quan, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đền bù, GPMB, tìm phương án thiết kế tối ưu, tận dụng đất, xây dựng các tầng hầm đỗ xe ô tô, tái định cư cho người dân để sớm triển khai dự án trên.