Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đòi nợ hơn 53 tỷ đồng thuế của Uber: Bài toán khó

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù khẳng định không có chuyện để thất thu hơn 53 tỷ đồng nợ thuế của Uber, song mới đây, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh lại “cầu cứu” Tổng cục Thuế tìm hướng xử lý khi ứng dụng gọi xe này đã rời khỏi Việt Nam.

Cơ quan thuế kêu trời
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Tâm cho biết, liên quan đến khoản truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber B.V, hiện, tòa án đang thụ lý vụ việc nhưng khả năng khó có thể thu hồi khoản nợ thuế này. Vị này cho biết, vấn đề lúng túng của cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh là Uber hiện không còn tồn tại ở Việt Nam nên không thể thực hiện thu thuế được.
 

Uber hiện không còn tồn tại ở Việt Nam nên khó có thể thu nợ thuế.

Ảnh: Chiến Công
Sau thương vụ Grab mua lại Uber tại Việt Nam, ông Tâm cho biết, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi nhiều ngân hàng đề nghị khấu trừ toàn bộ số tiền chuyển vào tài khoản của Uber mở tại các ngân hàng để cưỡng chế thuế. Tuy nhiên, phía Uber không mở tài khoản tại ngân hàng Việt Nam nên cơ quan này chưa thể áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản theo quy định. Trong khi đó, ngày 8/4, Uber B.V đã chính thức rút khỏi Việt Nam.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco cho biết, do Uber vào trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam còn chưa rõ ràng về loại hình dịch vụ vận tải này nên mất khá nhiều thời gian đưa ra kết luận về tính pháp lý để giải quyết các vấn đề liên quan. Doanh thu mà Uber có được nhờ thu từ tài xế được chuyển thẳng về Hà Lan nên đối tượng nợ thuế là Uber Hà Lan. Quản lý thuế, trong đó, có biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là hoạt động mang tính hành chính, chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ và quyền tài phán mà Việt Nam có quyền. “Các biện pháp hành chính của Chính phủ Việt Nam sẽ không có giá trị trên lãnh thổ của quốc gia khác. Vì thế, nếu Uber Hà Lan nhất quyết không chịu nộp thuế, thì việc thu hồi số thuế nợ đọng đó là nằm ngoài khả năng của cơ quan thuế và thậm chí là coi như bị mất trắng” - ông Phong phân tích.

Xử lý như thế nào?

Liên quan tới nợ khoản thuế 53,3 tỷ đồng của Uber, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và Tổng cục Thuế đã nhiều lần có văn bản “đòi nợ”, thậm chí có biện pháp mạnh, song DN này vẫn không trả. Trong khi đó, sau thương vụ Grab mua lại Uber, phía Grab thẳng thừng khẳng định không liên quan đến khoản tiền mà Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đang truy thu Uber. Điều này cho thấy, việc đòi khoản nợ thuế hơn 53 tỷ đồng của Uber là không hề dễ dàng.

Hiện, trên thế giới, các nước cũng có những cách quản lý khác nhau với DN như Uber, Grab. Indonesia từ đầu năm 2018 đặt ra 4 điều kiện tùy theo địa bàn, gồm: Giới hạn về phương tiện, số lượng phương tiện đăng ký, mức giá tối thiểu và tối đa mức giá. Còn Singapore đề ra luật về người cung cấp dịch vụ đặt xe bên thứ 3, trong đó quy định khá chặt chẽ như DN phải có đăng ký tại nước sở tại hoặc phải có đại diện tại Singapore, có tối thiểu 20 xe kết nối và phải đảm bảo duy trì được dữ liệu để khi cơ quan quản lý cần thì có thể cung cấp...

Trong một diễn biến liên quan, theo thống kê của Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm 2018, một số khoản thu đạt tỷ lệ thấp, chưa đạt mức 50% dự toán, nhất là thu từ khu vực ngoài quốc doanh. Cả nước vẫn còn 19 tỉnh, TP có tỷ lệ thu dưới 50% dự toán, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị ngành Thuế phải triển khai quyết liệt, đôn đốc thu nộp ngay từ bây giờ.

Không chỉ với Uber, câu chuyện quản lý thuế như thế nào với các tập đoàn đa quốc gia, các lĩnh vực mới như Uber, Grab vẫn là bài toán khó trong bối cảnh các cơ quan đang nỗ lực chống thất thu ngân sách hiện nay. Theo các chuyên gia kinh tế, câu chuyện quản lý Grab, Uber không nên chỉ nhìn dưới góc độ 2 công ty nước ngoài vào hoạt động tại thị trường Việt Nam mà nên mở rộng ra dưới góc nhìn hai công ty này đại diện cho loại hình kinh doanh mới - kinh doanh taxi công nghệ. “Thời gian tới, chắc chắn không chỉ có 2 công ty này mà sẽ còn nhiều DN tương tự. Vì thế, quản lý thế nào là việc cần bàn đến”- TS Đặng Quang Vinh - Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) cho biết.

Theo TS Đặng Quang Vinh, khi ra đời ở Mỹ, Grab, Uber hoạt động đầu tiên tại bang California. So với quy định của Việt Nam, họ có thêm những quy định rõ ràng hơn về vấn đề trách nhiệm bảo hiểm. Các quy định khác thì tương đồng: Xe, người lái phải đảm bảo an toàn, có đăng ký… “Việc các nước cấm hoàn toàn dịch vụ này rất ít. Chủ yếu họ đặt ra điều kiện và khi các điều kiện đó DN thấy không phù hợp thì sẽ buông” - TS Đặng Quang Vinh nói.

"Công nghệ đang làm biến đổi thị trường, vì vậy, chúng ta nên dựa trên những rủi ro có thể gặp phải để điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta nên tư duy mở hơn một chút và có biện pháp phòng ngừa những rủi ro qua kinh nghiệm của những nước đi trước." - TS Đặng Quang Vinh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư