Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, nhiều năm qua, hoạt động phối hợp giữa tổ chức Công đoàn Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được triển khai từ cấp trung ương đến địa phương, hướng tới chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ. Tuy nhiên, cách thức xây dựng, tổ chức hoạt động mô hình tập hợp nữ công nhân lao động còn lúng túng, chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nội dung hoạt động chưa thực sự hấp dẫn…
Phụ nữ nói chung và lao động nữ nói riêng vẫn còn đứng trước những khó khăn, thách thức về điều kiện lao động, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến cũng như áp lực về kinh tế, chất lượng cuộc sống. Đời sống của một bộ phận nữ công nhân, lao động tại các khu công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nữ công nhân, lao động ngoại tỉnh. Nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, nhu cầu sinh hoạt và tiếp cận các dịch vụ, thụ hưởng văn hóa, vui chơi giải trí còn rất hạn chế; vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm tăng cao… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nữ công nhân, viên chức, lao động.
Qua hội thảo, hai bên sẽ nghiên cứu, tập hợp mô hình hoạt động lao động nữ tại khu nhà trọ, khu dân cư. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của hai tổ chức, làm sao để lồng ghép hoạt động của hội phụ nữ với hoạt động nữ công của Công đoàn trong doanh nghiệp; nghiên cứu thành lập tổ chức hội phụ nữ trong khu dân cư, khu nhà trọ với mô hình phù hợp thiết thực để vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên, người lao động...
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình tập hợp nữ công nhân lao động; công tác phối hợp triển khai hoạt động giữa 2 tổ chức trong thời gian qua; đề xuất các nội dung phối hợp nhằm chăm lo tốt nhất cho quyền lợi của lao động nữ.