Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân Thủ đô được chăm lo

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau hơn 3 tháng thực hiện, Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025” đã góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

 Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và là năm đầu tiên thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025”, các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy đã tích cực phối hợp tham mưu xây dựng văn bản và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
Tại Hội nghị giao ban thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025”, ngày 16/7 đại diện Sở LĐTB&XH Hà Nội – Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đã báo cáo về việc thực hiện Chương trình kể từ khi được ban hành đến nay; theo đó, có một số chỉ tiêu đạt tỉ lệ cao.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn huyện Sóc Sơn nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn TP giải quyết việc làm cho 97.865/160.000 lao động; đạt 61,2% kế hoạch được giao trong năm. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 90,4% dân số, với số người tham gia BHYT là 7.306.968 người, đạt 98,49% kế hoạch TP giao. Số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là 1.797.109 người, đạt 94,64% kế hoạch được giao. Số người tham gia BHXH tự nguyện là 51.579 người, đạt 61% kế hoạch TP giao. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là trên 1.730.000 người, đạt 96,16% kế hoạch TP giao. Tính đến tháng 6/2021, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 4.802.463 lượt với chi phí bệnh viện đề nghị thanh toán là 8.518,77 tỷ đồng.
 Người dân làm thủ tục bảo hiểm y tế tại Hà Nội. Ảnh: Trần Thảo.
Mặc dù chịu ảnh hưởng và tác động bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển; việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng giáo dục được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học. TP đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Nhằm tạo nguồn vốn cho các hộ gia đình phát triển sản xuất kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn vốn hoạt động tại Ngân hàng Chính sách xã hội TP đạt 10.955 tỷ động, tăng 751 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng đến ngày 30/6/2021 đạt 10.917 tỷ đồng, tăng 750 tỷ đồng so với đầu năm, với hơn 248.000 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, dư nợ hộ nghèo là 58 tỷ đồng (1.500 hộ), dư nợ hộ cận nghèo 116 tỷ đồng (2.896 hộ), dư nợ hộ nghèo về nhà ở 114 tỷ đồng (6.010 hộ). Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo được thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân khu vực nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đến nay toàn TP đã có 13/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 96,3%), 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
 Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp. 
Thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em TP đã tiếp nhận trên 3 tỷ đồng; đã có 4.140 lượt trẻ em được hỗ trợ kinh phí 3,359 tỷ đồng. Sở LĐTB&XH đã tham mưu UBND TP tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em sống trong hộ nghèo; gần 400 trẻ em thuộc diện F1 nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em và ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Các cơ sở cai nghiện ma túy của TP và các quận, huyện, thị xã tổ chức cai nghiện cho 2.793/4.100 người, đạt 68,12% kế hoạch cai nghiện chung được giao trong năm.
Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, tuy nhiên TP Hà Nội đã kiểm soát tốt, triển khai các biện pháp phòng, chống. Đồng thời, rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại những nơi tập trung đông người có nguy cơ lây nhiễm cao; khẩn trương, chủ động chỉ đạo xử lý các ổ dịch nóng. TP đã tổ chức đón 242 công dân của Hà Nội từ khu công nghiệp Bắc Giang trở về các địa phương đảm bảo an  toàn.
 Người lao động tự do tại Hà Nội gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được hỗ trợ kinh phí. 

Thực hiện Quyết định 5494/QĐ-UBND ngày 9/12/2020 về sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 1955/QĐ-UBND ngày 12/5/2020 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP, Sở LĐTB&XH đã triển khai, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện. Đến hết tháng 3/2021, toàn TP giải quyết cho 14 đơn vị, DN vay vốn để trả lương ngừng việc cho 1.477 người lao động với số tiền 4.216.860.000 đồng; ra quyết định hỗ trợ cho 29 người lao động tại 1 DN với số tiền 52,2 triệu đồng.
Triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, hiện tại Sở LĐTB&XH Hà Nội đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, tham mưu, trình UBND TP chính sách hỗ trợ. BHXH TP đã chỉ đạo tổ chức phân luồng, tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính đối với việc xác nhận theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, đồng thời phải tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc kịp thời cho người lao động và người sử dụng lao động.