Ngày 26/9, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội năm 2023.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, thực tế, các DN có nhu cầu được giải đáp về thực thi chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội. Việc giải đáp những chính sách này để các DN thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật.
Để mọi người hiểu đúng những quy định của pháp luật lao động, Phó Trưởng phòng Lao động Tiền lương Bảo hiểm xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thị Oanh đã đưa ra những tình huống về chính sách lao động. Đồng thời hướng dẫn cách xử lý khi ký các hợp đồng thử việc, nguyên tắc hợp đồng lao động, ký hợp đồng lao động với người cao tuổi; công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ, kỷ luật lao động, giải quyết quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng lao động, giải quyết các quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu cũng đã hướng dẫn xử lý các tình huống về bảo hiểm xã hội đối với từng trường hợp cụ thể. Trước câu hỏi về vấn đề đơn vị nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động không chốt được sổ, không liên lạc được với công ty thì có thể tự đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian công ty nợ đóng bảo hiểm xã hội được không, bà Minh Châu phản hồi:
Việc người lao động không tìm được công ty thì không thuộc thách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội. Công ty chưa đóng mã với cơ quan bảo hiểm xã hội thì có nghĩa vẫn còn sử dụng lao động. Với những trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội đưa vào các danh mục các đơn vị không xác định được nơi tham gia cũng như là chủ sử dụng lao động thì người lao động chỉ nên chốt bảo hiểm xã hội đến thời điểm DN đóng đủ. Người lao động không thể tự tách đóng đủ bảo hiểm xã hội cho mình vì cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ làm việc với chủ sử dụng lao động.
Về câu hỏi người lao động cùng lúc làm việc cho mấy công ty, vậy đóng bảo hiểm xã hội căn cứ vào hợp đồng lao động nào có lương cao, bà Minh Châu phản hồi: Đóng bảo hiểm xã hội không phải căn cứ vào hợp đồng lao động nào có lương cao, mà theo hợp đồng lao động đầu tiên. Tuy nhiên, lưu ý: Khi người lao động ký nhiều hợp đồng lao động thì bắt đầu từ hợp đồng thứ hai trở đi (ngoài việc không phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, khi hợp đồng đầu tiên vẫn còn hiệu lực) thì phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp. Còn đóng bảo hiểm y tế thì theo hợp đồng có mức lương cao nhất.
DN thay đổi cơ cấu, công nghệ dẫn đến chấm dứt hợp đồng lao động, đang là vấn đề nóng được nhiều đại diện công ty quan tâm. Về nội dung này, bà Nguyễn Thị Oanh cho biết: Khoản 2 Điều 44 Bộ luật Lao động quy định, khi xây dựng phương án sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tuy nhiên, do công ty không có tổ chức Công đoàn thì tổ chức đối thoại vụ việc theo quy định. Tại khoản 3 Điều 63 Bộ luật Lao động quy định về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc có quy định trường hợp DN tiến hành thay đổi cơ cấu công nghệ thì buộc phải tổ chức đối thoại vụ việc. Quy trình đối thoại vụ việc được quy định cụ thể tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Và, tại khoản 2 Điều 44 Bộ luật Lao động quy định phương án sử dụng lao động phải được thông báo công khai cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.