Ngày 1/6, trong bài dẫn đề tại phiên khai mạc Hội nghị An ninh châu Á ở Singapore, được gọi là Đối thoại Shangri-la (SLD), lần thứ 17, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi các nước có quyền "tiếp cận bình đẳng" đối với các vùng biển và không phận quốc tế và giải quyết các tranh chấp khu vực trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Modi nêu rõ tầm nhìn của ông về các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hướng tới các mối quan hệ hợp tác kinh tế và an ninh chặt chẽ hơn. "Tất cả chúng ta nên có quyền tiếp cận bình đẳng đối với việc sử dụng các vùng biển và không phận quốc tế. Điều này đòi hỏi sự tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Modi nhấn mạnh.Thủ tướng Modi khẳng định nếu tất cả các nước nhất trí tuân thủ quy tắc này, các tuyến hàng hải sẽ mở đường cho sự thịnh vượng và hòa bình.
Thủ tướng Ấn Độ cũng khẳng đị việc các quốc gia cần đảm bảo duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, trên cơ sở tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế cũng như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, không phân biệt là nước lớn hay nước nhỏ.
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc SLD lần thứ 17, Thủ tướng Ấn Độ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương không chỉ với Ấn Độ nói riêng, mà với cả thế giới nói chung. Đây là khu vực định hình lịch sử của Ấn Độ và nắm giữ chìa khóa cho tương lai. Theo Thủ tướng Modi, khu vực Ấn Độ Dương chiếm đến 90% thương mại và nguồn năng lượng của Ấn Độ. Đó cũng là tuyến đường quan trọng của thương mại toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ đồng thời nhấn mạnh, thực hiện chính sách Hành động Hướng đông của mình, thời gian qua Ấn Độ đã có sự hợp tác với một loạt các nước, trong đó phải kể đến ASEAN, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng khẳng định, khu vực Ấn Độ Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng an ninh và ổn định trong khu vực có thể được thực hiện nếu dựa trên các nguyên tắc công bằng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cùng theo đuổi mục tiêu hướng đến phát triển thịnh vượng và tiến bộ.
Sau lễ khai mạc, ngày 2/6, SLD lần thứ 17 sẽ chính thức bắt đầu với 5 phiên toàn thể, trong đó tập trung vào các chủ đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định khu vực hiện nay, như vai trò của các nước lớn, thách thức an ninh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, vấn đề hạt nhân, trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á, chủ nghĩa khủng bố, nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực. Bên cạnh phiên toàn thể có các phiên đồng thời và vấn đề an ninh biển sẽ được thảo luận ở các phiên này.