Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đời thường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bạn bè ai cũng khen "mày sướng". Cô chỉ cười. Lại được khen tiếp "không biết khổ ở đâu, chỉ biết cười được là sướng". Có ai biết được cảnh "trong héo ngoài tươi".

Cứ úa xua, bả lả thế để quên đi sự túng bấn, lúc nào cũng nghèo, khổ vì nghèo. Cô giáo dạy văn vốn đa sầu đa cảm, giờ lại gánh thêm nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày nên nỗi buồn nó ray rả, có lúc tưởng như trái tim rỉ máu. Trước, hết giờ ở trường là nháo nhào đi dạy thêm. Hết lớp này đến lớp khác, quay chong chóng. Mệt nhưng vui vì có tiền. Giờ lẵng nhẵng vài đứa thi ban C, nhàn quá hóa buồn vì chẳng thấy tiền đâu. Sống bằng nghề đã khó, kiếm tiền từ nghề còn khó hơn. Bất lực về sự hèn mọn. Loay hoay mãi chẳng tìm được đường sống cho mình.

 
Minh họa: Hoài Văn
Minh họa: Hoài Văn
Bỗng một ngày thu đẹp trời, trong một phút cao hứng nảy được hai câu thơ con cóc đẹp chễm chệ. Từ đấy, máu thơ phú văn chương cứ chảy rần rật, nhìn đâu cũng nảy ra được một hai câu. Ngày hai mươi tháng mười một cũng có một bài thơ hoành tráng để đọc trước lớp cho học sinh nghe. Cả lớp vỗ tay rào rào. Có cô học trò yêu mến chép lại rồi xin chữ ký của cô. Nhưng thơ phú mà chỉ quẩn quanh đọc cho trò nghe rồi để sổ tay thì thật uổng. Phải được in trên báo để nhiều người đọc, nhiều người biết. Phải sáng tác nhiều để in thành tập. Song, lúc cao hứng thì thơ cứ chảy tuồn tuột, còn lúc ngồi khom lưng bó gối, lao động nghệ thuật nghiêm túc thì nặn mãi cũng không ra. Được mấy bài đầu què đuôi cụt đành bỏ dở. Quả thật làm thơ không phải dễ. Phải có cảm hứng mới nảy ra được. Lấy đâu ra cảm hứng trong lúc cứ phải day dứt về tiền. Có lẽ, viết truyện ngắn sẽ dễ hơn. Truyện ngắn chỉ xâu chuỗi lại câu chuyện là được. Thử xem. Nghề văn chương là vừa sang trọng lại vừa kiếm ra tiền. Ý tưởng thành nhà văn cứ nung nấu âm ỉ cho đến một ngày...

… Hôm ấy, Sở Giáo dục mời nhà văn B.A về nói chuyện với giáo viên dạy văn toàn tỉnh. Lần đầu tiên được kiến mục sở thị nhà văn, tâm trạng cô xôn xao khó tả. Cô ngồi im nghe từng câu, từng chữ của nhà văn. Càng nghe càng thấy hay. Thế giới văn chương thật kỳ lạ. Những câu chuyện được nhà văn miêu tả thật sinh động, hấp dẫn. Viết văn chính là tái hiện thế giới hiện thực này sang một thế giới hiện thực khác. Hiện thực ấy chính là những câu chuyện trong đời sống hàng ngày, không có gì to tát cả."Người mới viết nên viết một điều gì giản dị gần gũi với mình. Chẳng hạn viết về một kỷ niệm nào thật sâu sắc của mình, về bạn bè, người thân, những tấm gương, những mảnh đời ám ảnh, bất hạnh…". Lời nói của nhà văn như thôi thúc cô viết. Với vốn sống thực tế, cô nghĩ có lẽ viết được cả cuốn tiểu thuyết còn chưa hết. Nghĩ thì đơn giản, quá dễ. Đến khi đặt bút viết mới thấy giữa làm và nghĩ không giống nhau, còn là sự viển vông. Bao nhiêu chuyện, tưởng như kể nghìn lẻ một đêm không hết, vậy mà vỏn vẹn được ba trang giấy. Tại sao nhà văn lại giỏi thế nhỉ? Đọc đến hàng ngàn trang mà vẫn làm độc giả tiếc nuối. Cách viết tự nhiên, viết cứ như không viết, cứ như hiện thực đang bày ra. Trong khi đó, cô cố gò mới được ba trang, chưa kể câu chuyện đầu ngô mình sở, thuần túy chỉ là những chuyện được kể, không thể khẳng định đó là một truyện ngắn. Thôi, chưa biết làm thì phải học, không thầy đố mày làm nên, không thể bỏ cuộc dễ dàng. Cô hy vọng nhà văn B.A sẽ giúp đỡ.Để mục kích cuộc sống riêng của nhà văn B.A, cô đi sớm hơn giờ hẹn. Danh thiếp ghi rõ phòng 5, tầng 5, nhà A... Địa chỉ của nhà văn khiến cô băn khoăn, nếu ở tầng 5 thì ô tô để đâu? Hôm nhà văn về sở, các thầy cô giáo nhìn thấy nhà văn bước ra từ chiếc Mercedes đen bóng. Cậu lái xe tóc để dài, đeo cặp kính mắt đen tròn như bức ảnh minh họa truyện thầy bói xem voi, vừa đi vừa nhún nhẩy chìm vào tiếng nhạc MP4 êm ru… Những hình ảnh đó liên tưởng tới nhà văn sẽ ở một biệt thự sang trọng tại thành phố. Chẳng lẽ, đây là khu nhà dành cho văn nghệ sĩ? Khu tập thể 5 tầng đã cũ rích, thấp tè. Phía trước khu nhà, những hàng rào lan can đã rỉ sắt nham nhở. Các dây phơi quần áo chằng chịt. Loáng thoáng vài giò phong lan treo, vài chậu cây cảnh cằn vàng ra…Đang ngơ ngác tìm chỗ gửi xe, bất chợt cô nhìn thấy diễn viên nổi tiếng H.T chuyên đóng các vai ghê gớm chanh chua. Tóc bà đã bạc trắng song vẫn lưu lại nét nền nã duyên dáng của tuổi trẻ. Chẳng lẽ bà H.T bán bún?!.Bà H.T đang xếp những bát đũa bẩn vào cái xô đỏ. Một người đàn ông đứng chờ. Nhà văn B.A! Suýt nữa thì cô đã gọi tên nhà văn. - Bà đưa xô bát để tôi mang lên trước! Trời! Nhà văn B.A là chồng diễn viên H.T. Chẳng lẽ đây là cuộc đời thực của họ? Hai mắt cô tối sầm lại, choáng váng. Áo may ô, quần lửng, nhà văn tất bật xách xô bát đũa lên cầu thang. Phải rồi. có một truyện ngắn của nhà văn kể về một gia đình trí thức có hoàn cảnh đặc biệt. Đứa con trai duy nhất bị tật nguyền nhưng có khiếu hội họa. Hai vợ chồng đã phải bán cả chiếc ti vi đang dùng của một người bạn cho cùng với sự quyên góp của bạn bè mới đủ tiền để đưa con đi chữa bệnh. Truyện viết cảm động đến ứa nước mắt. Hay đó là cuộc sống thực của chính nhà văn? Cô không thể tưởng tượng được cuộc sống thường của người nghệ sĩ, của nhà văn lại khó khăn đến thế này. Vậy mà họ vẫn vượt lên để quên đi nhọc nhằn của đời thường, để viết những trang viết để đời, để diễn những vai diễn ấn tượng trong lòng người xem. Cuộc sống không đơn giản và đẹp như cô tưởng. Tự dưng cô thấy mình sống nông cạn, hời hợt quá. Nhà văn B.A hẹn cô ở quán cà phê X. Nhìn hình thức bề ngoài quán rất giản dị. Song bên trong là cả một thế giới không gian ấn tượng. Tất cả sự sắp đặt trong không gian ấy đều là những vật xưa cũ của một đời sống dân dã thời củi lửa bếp rơm, con trâu cái cày. Ngồi trong không gian ấy, nhấm nháp hương vị café sẽ có nhiều hoài niệm, suy tưởng đẹp về quá khứ. Cô thầm cảm phục nhà văn. Khác với phong cách sang trọng hôm về tỉnh nói chuyện, nhà văn mặc cái áo chim cò hai màu đỏ xanh rực rỡ, buông suông, trông ông trẻ ra hàng chục tuổi. Chưa kịp gọi đồ uống, ông đã hỏi luôn: "Em viết được nhiều không? Đưa anh xem bản thảo?".Cô lúng túng: "Em… Em vẫn chưa viết được. Em muốn nhờ anh giúp đỡ".

Không dám ngẩng lên vì cô đã nghe thấy tiếng ừ lẫn trong tiếng thở dài của nhà văn. Cô không dám nói chuyện mình đã viết…Im lặng một lúc rồi nhà văn đột nhiên hỏi cô: "Em nghĩ nghề văn dễ lắm à? Em đã bao giờ viết văn chưa?".

Cô cúi gằm xuống để giấu đi cái mặt tưởng như không thể giấu đi đâu được nên nó đành phải trơ ra. Cô chưa bao giờ viết truyện. Một bài thơ để in cũng chưa có, thế mà dám đi gặp nhà văn để hỏi chuyện nghề văn. Như hiểu được tâm trạng của cô, nhà văn dịu lại:

- Thôi không sao. Anh thấy không phải ai cũng có khiếu thẩm mỹ văn chương như em. Người viết đứng trước đối tượng phải cảm nhận được cái hay, cái đẹp mới có thể viết được, giống như họa sĩ vẽ, đứng trước sự vật phải rung động mới có cảm xúc để vẽ bức tranh đó. Có sự tinh tế, có đam mê văn chương, em cứ viết đi, rồi cũng sẽ làm được. Nghề gì cũng vạn sự khởi đầu nan. Viết được một lần rồi lần sau cứ thế mà phát huy. Đúng không em? Nhà văn vừa cười vừa nắm lấy bàn tay cô rồi lại buông ra một cách tự nhiên.

- Giá nghề văn cũng như nghề khác, anh có thể cầm tay chỉ việc cho em thì tốt quá. Như nghề đan rổ vá áo chẳng hạn. Ha ha!Chưa bao giờ cô nghe thấy tiếng cười sảng khoái lạ lùng đến thế. Cô cũng chẳng hiểu nhà văn cười vì lẽ gì.- Em à, cả đời anh phấn đấu, viết đến 5 tập truyện ngắn, 3 tiểu thuyết, hàng trăm vở kịch, hàng ngàn bài báo, cứ đặt hàng là anh viết. Ngòi bút rèn giũa không ngừng nghỉ, vậy mà cuối cùng anh vẫn chỉ là nhà văn... cỡ loàng xoàng thôi.

- Nhưng em à. Nghề chữ nghĩa này trọng lắm. Hay lắm. Không phải anh đọc thiên kinh vạn quyển, hàng kho chữ trong đầu, là bách khoa toàn thư sống thì anh trở thành nhà văn giỏi đâu. Những cái đó chỉ là phông văn hóa cho tác phẩm có chiều sâu tư tưởng. Cần có sự thăng hoa, thiên bẩm trời cho, em ạ. Nhà văn thực chất là ông thợ gọt đẽo chữ nghĩa. Có ông rất tinh xảo chữ nghĩa, dùng chữ nào chữ ấy có hồn, có cốt. Có ông thì loàng xoàng, tàm tạm, gọi là biết nghề. Còn lại chữ chẳng ra chữ, nghĩa chẳng ra nghĩa, cẩu thả, luộm thuộm. Như thế chưa thể gọi là tác phẩm nghệ thuật được. Đã gọi là tác phẩm nghệ thuật nó phải khác, nó phải hay, phải đẹp, nó có cái gì để lại ấn tượng. Nhiều ông đi đâu cũng xưng danh nhà văn nghe thấy ngượng. Tác phẩm đẻ như gà công nghiệp. Toàn ăn xổi!

Không khí chững lại, im lặng. Chính lúc ấy, cô đã thấy lại thần tượng nhà văn B.A. Cô đã không nhầm khi đánh giá con người, nhân cách của nhà văn. Suy tư, rít hơi thuốc dài, nhà văn quay sang nhìn thẳng vào cô:

- Còn em thì thế này. Em có khiếu văn chương, lại còn trẻ, em cứ tập viết đi. Nhiều tờ báo lá cải in những truyện cũng chưa phải là truyện mà chỉ là những đoạn cảm xúc nhẹ nhàng. Có những tờ báo chỉ thích in những chuyện giật gân hay những đổ vỡ, lâm ly bi thảm. Nhiều người lại thích đọc loại truyện ấy. Văn chương xã hội hóa, văn chương thị trường. Em cứ tập viết đi. Lần sau mang bản thảo cho anh đọc. Khó, nhưng anh sẽ giúp em viết được. Còn có trở thành nhà văn hay không lại là chuyện khác.Cô vẫn không dám nhìn vào nhà văn. Cảm giác sượng sùng vẫn chưa hết. Làm nghề gì cũng khó, song nghề văn chương, nghệ thuật thì không thể như một nghề bình thường khác, không thể so sánh khó hay dễ, mà căn bản có tố chất để làm hay không. Những bài văn trong sách giáo khoa, cô thấy đơn giản nhưng khi đọc các cuốn phân tích thì tầng tầng lớp lớp ý nghĩa trong đó mà chính cô hàng ngày dạy đi dạy lại, năm này qua năm khác vẫn không đủ tầm để hiểu hết. Cô thấy mình hết sức ngây thơ. Ngây thơ đến độ còn định lấy đó nghề để kiếm tiền!

- Không phải suy nghĩ nữa! Em có hoài bão lớn. Không phải ai cũng dám làm như em. Cố gắng rồi sẽ thành công em ạ.Rồi nhà văn nắm lấy bàn tay cô vít cong lại.

- Lần sau, mình không ngồi ở đây nữa, đi chỗ khác em nhé. Mình vừa nói chuyện vừa nghỉ ngơi thư giãn.

- Năm nay, em bao nhiêu tuổi? Em ra trường lâu chưa?  

Lúc này cô mới dám ngẩng lên. Nhà văn đã tạo cho cô sự thoải mái khi nói chuyện riêng tư. Cô kể nhiều, hết chuyện này sang chuyện khác. Khi kể về những lỗi ngớ ngẩn trong bài thi môn văn của học sinh trong các kỳ chấm thi tốt nghiệp đã làm nhà văn cười một cách khoái trá. Song, tuyệt nhiên, cô không dám nói đến chuyện có ý định viết văn để kiếm tiền. Cô có cảm giác, khi nói chuyện đó, nhà văn sẽ đứng dậy ngay lập tức, không thèm nghe cô nói thêm câu thứ hai. Chuyện tiền bạc, cơm áo là chuyện hàng ngày, song không thể đánh đổi với văn chương nghệ thuật. Văn chương nghệ thuật không chạy theo những dục vọng tầm thường. Cô đã hiểu hơn ý nghĩa cao thượng của văn chương.

… Sau cuộc gặp với nhà văn B.A, cô hiểu thêm được bao nhiêu điều mới mẻ về cuộc sống, về văn chương. Cô thấy phải dứt ra với những suy nghĩ tầm thường mới có tầm nhìn cao hơn để theo đuổi mơ ước. Nhà văn đã tiếp thêm ý chí và niềm tin cho cô. Phải tiếp tục viết. Một điều gì đó như thôi thúc cô phải viết những trăn trở, ám ảnh của hiện thực xung quanh, viết như để trải lòng tâm sự trên trang giấy. Cô chuẩn bị cho mình một bữa tiệc thật thịnh soạn, một tư thế viết, viết những gì, viết như thế nào… Sau bao ngày trăn trở, suy tư, cô đã viết. Khoảnh khắc ấy, cô không thể nào quên. Những mảng hiện thực như tái hiện trước mắt. Hình ảnh những người giáo viên cả đời dạy học không mua nổi chiếc xe máy, cứ đạp mãi chiếc xe đã rỉ sắt, kéo nặng như một con ngựa già. Vậy mà, họ vẫn vui, vẫn tận tụy say mê dạy các em học sinh, với những bài giảng đã cũ rích nêu gương điển hình tiên tiến chỉ có trong sách vở. Họ không biết rằng, thế giới đã thay đổi nhiều, cần phải thay đổi chính mình, thay đổi thế giới. Cần phải quay trở về với thực tại. Một nghịch cảnh mà họ đã không ý thức được khi họ đã quen mặc chiếc áo đã quá cũ, quá chật. Rồi hình ảnh đời thường của nhà văn B.A, diễn viên H.T. Trên ánh đèn sân khấu rực rỡ, diễn viên H.T đóng những vai sang trọng, quyền quý, khi trở về đời thường lại là một người hết sức giản dị, mưu sinh vất vả. Trên sân khấu, họ là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân. Trở về đời thường, họ có một tên rất đời thường nhưng cũng hết sức ngậm ngùi: Bà T. bún mọc! Rồi những số phận, những mảnh đời bất hạnh éo le khác cứ hiện ra. Những con chữ xô đẩy nhau, tràn ra hết trang này sang trang khác. Cô như hòa mình vào từng trang đời. Có lúc hân hoan cùng nhân vật. Có lúc những dòng chữ nhòe mờ đi vì nước mắt. Cô không thể cầm lòng được trước những nghịch cảnh, những số phận bi thảm… Những dòng chữ như từng viên gạch đang xây lên ngôi nhà văn chương. Phải chăng, cuộc sống bên ngoài bao giờ cũng bằng phẳng, trơn tru như trang giấy? Chỉ sâu bên trong mới thấy được sự phong phú, phức tạp của cuộc sống. Văn chương nghệ thuật sẽ làm đầy trang giấy ấy, khám phá tất cả góc khuất, mặt sau của cuộc sống để mọi người chiêm nghiệm. Có lẽ, đây mới là ý nghĩa cao cả của văn chương. Tất cả những điều này, cô sẽ gửi gắm vào những bài giảng và trên những trang viết để các em học sinh hiểu sâu sắc hơn những giá trị lớn lao và cả những mất mát hy sinh của cuộc sống này. Cô sẽ tiếp tục viết. Cô tin vào ngày mai sẽ hiện thực  được ước mơ.