Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đội tuyển Việt Nam: Cuộc cách mạng ở vương triều mới

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - HLV Park Hang-seo đã chính thức bắt tay vào cuộc việc dẫn dắt đội tuyển (ĐT) Việt Nam.

Để chuẩn bị cho trận đấu với Afghanistan vào ngày 14/11, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã đưa ra một bản danh sách khiến dư luận nổi sóng bởi sự vắng bóng các cầu thủ thuộc lò Sông Lam Nghệ An (SLNA).

Vắng bóng rường cột một thời

Khi ông Nguyễn Hữu Thắng còn nắm quyền, các cầu thủ đến từ SLNA phủ kín danh sách đội tuyển. Lúc đó, công thức xây dựng bộ khung nhân sự của nhà cầm quân này rất đơn giản, đó là SLNA + HAGL = ĐTQG. Trong đó SLNA là đội bóng quê hương của ông Thắng còn HAGL có bầu Đức, người đưa nhà cầm quân này lên nắm quyền. Có thời điểm, dư luận phản ứng gay gắt về triết lý bóng đá đóng khung nhân sự của ông Thắng. Thế nhưng, sự phản ứng ấy cũng không thể thay đổi thành phần ĐT bởi ông Thắng sử dụng rất tốt "quyền lực HLV trưởng" vốn đã được quy định trong hợp đồng.

Huấn luyện viên Park Hang-seo.

Có thể hiểu vì sao ông Thắng chọn các cầu thủ thân cận với mình làm rường cột của đội. Nhà cầm quân này hiểu muốn giành chiến thắng phải "làm chủ" được phòng thay đồ. Theo quan niệm của ông, ĐT phức tạp với những nhóm và phe cánh khác nhau nên ai nắm được quân, người đó thành công. Các cầu thủ đến từ lò đào tạo không hài lòng bởi họ muốn có được sự cạnh tranh công bằng về chuyên môn. Thậm chí, đã có tình trạng một số cầu thủ đến từ Thanh Hóa, Quảng Ninh từ chối lên tuyển dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng vì tin rằng sẽ không được ra sân.

Thiết lập chuẩn mực mới

Một thời là chỗ dựa cho HLV Nguyễn Hữu Thắng nhưng đến lúc ông Park Hang-seo nắm quyền, các cầu thủ SLNA đột nhiên vắng bóng. Chính điều này khiến dư luận đặt dấu hỏi phải chăng, nhà cầm quân này muốn phủ nhận hệ thống mà ông Nguyễn Hữu Thắng từng dày công xây dựng?

Mỗi nhà cầm quân có một quan niệm dùng người khác nhau. Ông Park có quyền tập hợp những cầu thủ mà bản thân tin sẽ mang đến sự thành công trong triều đại của mình. Thế nên, dư luận thậm chí còn cảm thấy hứng thú khi HLV này gọi lên tuyển hai cầu thủ vô danh là Phạm Văn Cường (Quảng Nam) và Vũ Xuân Cường (Thanh Hóa). Giới mộ điệu còn cho rằng, đây là những phát hiện mới cần có ở mỗi HLV trưởng. Vậy nhưng, nếu nhìn một cách có chiều sâu thì việc các cầu thủ gốc Nghệ An không còn duy trì được ưu thế thời khi HLV tạm quyền Mai Đức Chung cầm đội. Thời điểm đó, trung vệ Quế Ngọc Hải, thủ môn Trần Nguyên Mạnh cũng không được gọi. Khi bị chất vấn về việc một số ngôi sao đến từ lò SLNA vắng mặt, nhà cầm quân xứ kim chi đã bộc bạch là "một số cầu thủ hay tranh cãi, va chạm với đối thủ. Điều này tạo ra rủi ro trong lối chơi cho ĐT". Nó có thể khiến cầu thủ nặng thì bị thẻ vàng, nặng thì thẻ đỏ như các cầu thủ Trương Đình Luật, Quế Ngọc Hải, Trần Nguyên Mạnh từng mắc phải tại AFF Cup 2016 khiến ĐT Việt Nam phải dừng chân ở bán kết.

Có một thời, người ta cổ súy lối chơi quyết liệt. Thế nhưng, quyết liệt không đồng nghĩa với bạo lực, triệt hạ đối phương. Với thông điệp vừa qua, có thể thấy ông Park Hang-seo đang muốn thiết lập chuẩn mực mới cho ĐT. Ở đó, các cầu thủ phải chơi bóng với tinh thần chiến đấu cao nhưng phải đảm bảo sự an toàn và ổn định trong lối chơi, loại trừ những yếu tố có thể mang đến rủi ro thông qua bài toán về nhân sự.