Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh EVFTA sớm được thông qua” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/7.
Cấp thiết cải cách thể chế
Chia sẻ về những thách thức trong tiến trình thực hiện EVFTA, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, châu Âu là nơi kinh tế phát triển cao, ít có sự cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam nên chúng ta có lợi thế. Song, để hiện thực hóa lợi thế này thì phải đáp ứng nhiều yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, môi trường, quan hệ lao động, phát triển bền vững và thực hiện được tất cả những điều kiện này là việc rất không đơn giản. Vấn đề đáng quan tâm là hiện nay độ mở của nền kinh tế Việt Nam thì cao nhưng năng lực cạnh tranh còn thấp.
Các doanh nghiệp trao đổi thông tin tại triển lãm hàng công nghiệp diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về năng lực cạnh tranh toàn cầu thì Việt Nam đứng vị trí thứ 77 trên tổng số 140 nền kinh tế (mức trung bình); năng lực cạnh tranh thể chế xếp thứ 94/140 (dưới trung bình), động lực kinh doanh xếp thứ 101/140. Đáng nói, môi trường kinh doanh của Việt Nam chỉ xếp thứ 7 trong khối ASEAN, chỉ đứng trước Lào, Campuchia và Myanmar. Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu cải thiện năng lực cạnh tranh đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng DN.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc làm cấp thiết là cần tiếp tục cải cách thể chế. Thời gian tới, VCCI sẽ làm việc sâu hơn với các ngành hàng, các địa phương để thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực của các DN. Về phía DN, phải định hướng lại thị trường, tập trung vào các thị trường trọng điểm song song với đa dạng hóa thị trường và tiếp cận với các bạn hàng mới.
Bên cạnh đó, DN Việt phải tái cấu trúc quy trình sản xuất và công nghệ để đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ và xác lập được hệ thống phòng ngừa rủi ro, cần có tầm nhìn toàn diện hơn trong bối cảnh thế giới đang thay đổi.
Doanh nghiệp vẫn thờ ơ
Đến từ cơ quan chủ trì đàm phán và phê chuẩn EVFTA, Phó Vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho biết, hiện nay, Việt Nam sẽ cố gắng hoàn tất trình Quốc hội phê chuẩn vào tháng 10/2019, còn phía EU cũng sẽ cố gắng trình Nghị viện châu Âu vào thời gian tương tự để năm 2020 EVFTA sẽ có hiệu lực.
Tuy nhiên, thực tế, các bộ ngành, địa phương và cả DN đều thiếu sự chủ động khi đón nhận các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA.
“Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động thực thi hiệp định này đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể gửi cho Bộ Công Thương tổng hợp, nhưng đến thời điểm này, đơn vị vẫn chưa nhận được đầy đủ kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương. Như vậy là rất chậm trễ, dễ làm mất cơ hội” – ông Khanh bày tỏ lo ngại.
Theo ông Khanh, điều đầu tiên DN cần làm là chuẩn bị ngay để tận dụng các lợi thế càng sớm càng tốt bởi EVFTA có thời gian cắt giảm thuế lộ trình ngắn. Cùng với đó, DN cần quan tâm chi tiết hơn, sát hơn với thực tiễn như quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật... Hiện, đa số DN mới chỉ lưu ý đến ưu đãi thuế mà chưa quan tâm tới quá trình làm thủ tục để đến được với người tiêu dùng châu Âu.
Đưa ra khuyến nghị dành cho DN Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) Nguyễn Hải Minh lưu ý, DN Việt nên tập trung vào các ngành dệt may, da giày là những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Đơn cử như ngành dệt may, các DN cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa năng lực sản xuất vải thay vì nhập vải nguyên liệu chủ yếu từ Đài Loan và Hàn Quốc như hiện nay.
"EVFTA đang cận kề, nếu các DN không chủ động cập nhật thông tin thì sẽ bị các DN nước ngoài thắng thế ngay trên chính sân nhà của mình, chứ chưa nói tới xuất khẩu." - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang |