Chiều 4/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung của Thủ đô giai đoạn 2014 - 2020; Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề TP Hà Nội; Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn TP Hà Nội.Trong đó, Chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung được coi là “đòn bẩy” cho việc phát triển nông nghiệp hàng hóa của Thủ đô.
Phát triển mạnh mẽ các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm là một trong những mục tiêu lớn của ngành nông nghiệp TP. Dù đã có nhiều cố gắng, song những năm qua việc triển khai chương trình này còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Để khơi thông những tồn tại này, việc hỗ trợ cho vùng nông nghiệp tập trung theo chính sách mới gồm bốn nội dung: Hỗ trợ về đào tạo, tập huấn kỹ thuật; Khuyến khích chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; Xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất.
Trong đó, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi là vấn đề khá nổi bật, được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, TP sẽ hỗ trợ 50% chi phí mua giống cây trồng, giống thủy sản, còn đối với giống vật nuôi, hỗ trợ toàn bộ chi phí thụ tinh nhân tạo khi phối giống bằng tinh bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tinh giống lợn cao sản. Ngoài ra, TP cũng hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Một vấn đề khá mới được đề cập trong chính sách hỗ trợ của TP là tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, các doanh nghiệp, tổ chức khi ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân có ứng trước một phần chi phí mua giống, vật tư sản xuất thì được hỗ trợ 100% lãi suất tính theo mức lãi suất Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh TP Hà Nội. Ngoài ra, các doanh nghiệp khi thu mua sản phẩm nông sản của tổ chức, cá nhân theo hợp đồng để tiêu thụ, trong trường hợp giá thị trường xuống thấp hơn giá thu mua đã phải ký lưu kho bảo quản thì được ngân sách TP hỗ trợ 100% phí lưu kho.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, nội dung và mức hỗ trợ như trên nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân thay thế các giống có năng suất, chất lượng thấp sang sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo quy hoạch. Đồng thời đảm bảo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm và an toàn thực phẩm. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và ứng vốn cho nông dân phát triển sản xuất.
Phân cấp cho địa phương
Theo đại biểu Nguyễn Văn Phong (huyện Sóc Sơn), thực tế chính sách hỗ trợ dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng nông thôn theo Quyết định 16 của UBND TP cũng đã thúc đẩy khá mạnh mẽ việc hình thành nhanh các vùng sản xuất tập trung. Do vậy, cần tận dụng cơ hội có chính sách hỗ trợ mới này để phát triển mạnh mẽ hơn nữa các vùng sản xuất hàng hóa. Ngoài phần hỗ trợ của TP, một số địa phương cũng đã mạnh dạn ban hành chính sách hỗ trợ giống, cơ giới hóa cho nông dân. Bởi vậy, ông Phong đề nghị việc tổ chức thực hiện chính sách này nên phân cấp cho quận, huyện, thị xã để tạo sự chủ động cho địa phương.
Kết thúc phiên họp, HĐND TP đã thống nhất cao cơ chế thực hiện chính sách theo hướng phân cấp cho địa phương. Theo đó, trừ các nội dung như hỗ trợ lãi suất tiêu thụ nông sản và kinh phí thụ tinh nhân tạo, còn lại các nội dung khác theo Nghị quyết đều do ngân sách các quận, huyện, thị xã hỗ trợ. HĐND TP cũng lưu ý, kinh phí thực hiện chính sách này căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm của TP để đảm bảo tính khả thi của chính sách mà vẫn hỗ trợ thiết thực cho nông dân.
Kinhtedothi - Kiểm tra chất lượng lúa hàng hóa tập trung tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Quang Thiện |
Khơi thông nhiều vướng mắc
Các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung được hỗ trợ gồm: Vùng sản xuất trồng trọt chuyên canh; vùng nuôi trồng thủy sản; xã chăn nuôi trọng điểm; khu chăn nuôi, trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư. |