Quan tâm hơn tới người sau cai nghiện ma túy
Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Đông Anh Đỗ Thị Thúy Hằng khẳng định, nhiều năm qua, Đông Anh rất quan tâm đến công tác phòng, chống ma túy, bằng nhiều hình thức cụ thể, để giảm thiểu số người nghiện ma túy. Huyện đã tăng cường các hoạt động truyền thông ở tất cả các trường học, đặc biệt là cấp THCS, THPT.
Đồng thời tái thành lập mô hình Câu lạc bộ B93 tại thị trấn Đông Anh (từ cuối năm 2021), với tên gọi mới: Mô hình “Quản lý, giáo dục, tư vấn giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng – Câu lạc bộ B93” hiện đang duy trì hoạt động với 10 hội viên thuộc diện quản lý sau cai. Mô hình này từng được áp dụng trong giai đoạn 2002 – 2010 tại thị trấn Đông Anh và xã Uy Nỗ.
Qua theo dõi, đánh giá, hoạt động của Câu lạc bộ B93 đã đạt được những kết quả nhất định. Người sau cai nghiện ma túy được quan tâm hơn về chăm sóc sức khỏe, tâm lý, có cơ hội hòa nhập cộng đồng, tránh mặc cảm và từng bước ổn định cuộc sống cũng như kéo dài thời gian ngừng sử dụng ma túy.
Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, sau khi nghiên cứu tình hình và điều kiện thực tế, huyện Đông Anh đã nhân rộng triển khai mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng” tại 13 xã, bao gồm: Mai Lâm, Bắc Hồng, Cổ Loa, Kim Chung, Hải Bối, Uy Nỗ, Việt Hùng, Tiên Dương, Đông Hội, Xuân Canh, Nam Hồng, Nguyên Khê và Vĩnh Ngọc. Các xã đã vận động được 65 người hoàn thành cai nghiện ma túy trở về nơi cư trú tham gia mô hình.
Ông Tô Đình Thắng - cán bộ Phòng LĐTB&XH huyện, phụ trách quản lý công tác phòng chống ma túy cho biết: “Tình nguyện viên có nhiệm vụ phối với với cơ quan công an để nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời gặp gỡ, tư vấn đối với người có nguy cơ cao, người nghiện, người sau cai nghiện; phối hợp tuần tra, kiểm soát địa bàn; tư vấn, giúp đỡ, quản lý người sau cai nghiện… Vì vậy nội dung hoạt động đã bám sát thực tiễn, có chiều sâu và cụ thể, hiệu quả rõ nét hơn".
Ngoài ra, 24/24 xã, thị trấn của huyện Đông Anh hiện đang duy trì Đội công tác xã hội tình nguyện với tổng số 170 tình nguyện viên. Các Đội thường xuyên được kiện toàn hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Đội và Ban Chỉ đạo 89 các xã, thị trấn giao. Trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện với các hình thức bắt buộc, tự nguyện. Đồng thời, thực hiện quản lý người nghiện bị áp dụng quản lý giáo dục tại xã theo Nghị định 120/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tham gia quản lý người sau cai nghiện ma túy trở về cộng đồng, thực hiện đánh giá tái nghiện đối với người sau cai nghiện theo quy định.
Hỗ trợ, quản lý, theo sát từng đối tượng
Theo đánh giá ban đầu, mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng” ở huyện Đông Anh được phát triển và hoạt động với thời gian chưa dài nhưng đã mang đến những tín hiệu tích cực. Các tình nguyện viên ở khu dân cư – nơi người sau cai sinh sống nên bám sát tình hình, gặp gỡ gia đình đối tượng dễ hơn, có sự cảm thông, gần gũi và hợp tác của đối tượng.
Ông Nguyễn Tiến Phi – Đội trưởng Đội Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng xã Uy Nỗ cho hay, Đội có 7 thành viên hỗ trợ, quản lý, theo dõi, giúp đỡ 6 đối tượng sau cai nghiện ma túy. Các thành viên đến nhà đối tượng phân tích tác hại nghiện ma túy ảnh hưởng đến hạnh phúc, kinh kế gia đình, xã hội. Với những trường hợp nguy cơ cao thì nắm bắt và báo công an có biện pháp răn đe…
Mỗi quý, Đội họp giao ban một lần để từng thành viên báo cáo tình hình công việc, trong đó các đối tượng quản lý có tiến bộ thế nào. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Đội, 2 đối tượng có việc làm về xây dựng, 4 trường hợp làm công việc gia đình. Đáng chú ý, có đối tượng tham gia hoạt động Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy thôn, xóm. Kể từ khi được hỗ trợ, các đối tượng rất vui vẻ vì được hòa đồng, không bị xa lánh.
Thực hiện chỉ tiêu cai nghiện ma túy năm 2023 do TP Hà Nội giao, tính đến ngày 30/9, huyện Đông Anh đã đưa đi cai nghiện bắt buộc 48 người, đạt 100% kế hoạch và 6 người cai nghiện tự nguyện. Trên địa bàn huyện có 110 người hàng ngày đi uống Methadone. Các đơn vị đã hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho đối tượng sau cai nghiện ma túy, dạy nghề, tạo việc làm tại gia đình với các nghề truyền thống cho 7 đối tượng.
Theo lãnh đạo Phòng LĐTB&XH huyện Đông Anh, để đạt được kết quả trong công tác cai nghiện, hằng năm huyện đều ban hành kế hoạch triển khai và giao cho các xã, thị trấn thực hiện. Cơ quan Công an có kế hoạch riêng và giao việc cho các đội nghiệp vụ triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Định kỳ, UBND huyện tổ chức họp triển khai nhiệm vụ, quán triệt, đôn đốc, kiểm đếm những chỉ tiêu đã thực hiện cũng như kịp thời đưa ra các giải pháp…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng chống ma túy, huyện Đông Anh đang gặp những khó khăn. Cụ thể, công tác lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú tại địa phương còn hạn chế do khó khăn trong xác định tình trạng nghiện, đối tượng không chấp hành, bỏ trốn. Bên cạnh đó, Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ định kỳ tổ chức xét nghiệm chất ma túy đối với người sau cai nghiện ma túy.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn quy định cụ thể về số lần xét nghiệm ma túy trong cơ thể đối với người quản lý sau cai. Với những khó khăn này, huyện Đông Anh mong sớm nhận được hướng dẫn để thực hiện công tác quản lý sau cai mang lại nhiều kết quả tích cực.