Tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng”, được tổ chức tại huyện Đông Anh (TP Hà Nội) ngày 10/5 – quê hương của đồng chí Đào Duy Tùng. Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã có nhiều ý kiến đánh giá, tôn vinh những đóng góp của đồng chí về vấn đề này.
Nhà báo Hà Đăng: Đồng chí Đào Duy Tùng – Nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng thời kỳ đầu Đổi mới
Tôi không nghĩ mình đã quá lời khi nói Đào Duy Tùng là Nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng. Sự thật này được chứng minh, không phải bằng toàn bộ thành tựu trong hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng của anh (từ 1945 - 1998), trong đó có hơn 40 năm trực tiếp làm công tác tuyên giáo (từ 1955 trở đi), mà chủ yếu bằng những đóng góp đặc biệt xuất sắc của anh vào lĩnh vực tư tưởng và lý luận của Đảng thời kỳ đầu Đổi mới.
Đồng chí Đào Duy Tùng là Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản, suốt 17 năm từ 1965 đến 1982). Cũng thời gian đó, anh giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư. Cho nên nói đến Đào Duy Tùng, người ta thường nghĩ về một người làm công tác tư tưởng hơn là một nhà báo. Sự thật, anh đi vào công tác báo chí rất sâu, khi viết và biên tập bài có sự sáng tạo, tránh được lối viết sách vở làm cho người đọc nhàm chán; Kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tế, ủng hộ cái mới, ủng hộ lớp cán bộ trẻ năng động, sáng tạo. Có thể nói, Đào Duy Tùng là một nhà báo thực thụ, dẫu sao công tác bao trùm nhất, xuyên suốt nhất cuộc đời anh vẫn là công tác tư tưởng - lý luận.
Đối với anh, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin đồng nghĩa với sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa đó. Làm công tác lý luận, phải từ thực tiễn cuộc sống, các quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định lại những gì là đúng đắn, khoa học, trước đúng và nay vẫn đúng; những gì trước đúng giờ phải bổ sung; những gì trước đúng nay thực tiễn đã vượt qua; những gì thực tiễn đã và đang diễn ra nhưng Mác - Lênin chưa đề cập... nay Đảng phải phát triển một cách sáng tạo để chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
Anh cho rằng việc Đại hội VII của Đảng khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam là một thành tựu mới về tư duy của Đảng. Anh là con người của đổi mới, ủng hộ ngay từ đầu những nhân tố đổi mới khi chúng còn đang manh nha: Ủng hộ “khoán 100” trước đây và “khoán 10” sau này; Ủng hộ quan điểm nhìn thẳng, đánh giá đúng và nói rõ sự thật khi chuẩn bị văn kiện Đại hội VI.
Là thành viên của Tổ biên tập Báo cáo chính trị mà anh là Tổ phó, tôi không quên những cuộc thảo luận gay cấn lúc đó. Cái khó của Tổ biên tập không phải là viết như thế nào mà là viết về cái gì và “cái gì” đó được nhận thức ra sao? Không thể đánh giá đúng tình hình kinh tế, xã hội nguy nan lúc đó cũng như những nguyên nhân của nó nếu không nhìn thẳng vào sự lãnh đạo của Đảng trên 3 mặt: bố trí cơ cấu kinh tế (cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư); tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp và công thương nghiệp; thực thi cơ chế quản lý (kế hoạch hóa tập trung, bao cấp hay kế hoạch hóa kết hợp với thị trường).
Đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng Tổ biên tập chuẩn bị văn bản kiến nghị với Tiểu ban Văn kiện trình Bộ Chính trị thảo luận và có kết luận dứt khoát về ba vấn đề đó. Và như chúng ta đã biết, “Kết luận của Bộ Chính trị T.Ư khóa V (ngày 20/9/1986) về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế”, sau này vẫn quen gọi là Kết luận về ba quan điểm (đổi mới) đã thực sự mở một khâu đột phá cho việc sửa chữa bản dự thảo Báo cáo chính trị để T.Ư thông qua trình Đại hội.
Sau Đại hội VI, trong cương vị Ủy viên dự khuyết rồi Ủy viên Bộ Chính trị, lại được giao nhiệm vụ Thường trực Ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược kinh tế - xã hội trình Đại hội VII, đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần tích cực của mình vào việc xây dựng những văn kiện trọng yếu đó của Đảng, và một lần nữa tỏ rõ là con người của đổi mới.
Cùng làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng nhiều năm, tôi cảm nhận ở anh một con người trung thực, khiêm tốn, làm việc hết mình và sống bình dị, nghĩa tình, dễ gần, dễ bộc bạch với nhau những điều suy nghĩ riêng tư. Anh biết lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, thân sơ, cùng chính kiến hay khác chính kiến, miễn là những ý kiến đó chứa đựng cái mới, cái hay, trong tinh thần xây dựng.
GS. TS Mạch Quang Thắng: Đồng chí Đào Tùng với việc hình thành đường lối mới của Đảng
Trong binh đao khói lửa của chiến tranh, đất nước Việt Nam áp dụng cơ chế phù hợp thời chiến và đã phát huy tác dụng, với mô hình Xô viết đặc trưng bởi bao cấp, hành chính, gặp mảnh đất tốt trong chiến tranh. Nhưng sau ngày thống nhất đất nước, cơ chế đó không còn phù hợp nữa. Ngay từ thời điểm này đồng chí Đào Duy Tùng là người ủng hộ ngay từ đầu những người đổi mới, tức là ủng hộ tư tưởng đổi mới đất nước, ủng hộ sự ra đời của “Khoán 100” và sau này là “Khoán 10”.
Đây chính là bước đột phá đầu tiên về đổi mới cơ chế quản lý, kế hoạch hóa và hạch toán kinh tế trong nông nghiệp góp phần tích cực, quan trọng dẫn đến tư duy của Đại hội VI, sau nữa là tạo ra cơ sở để đến ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (thường được gọi tắt là “Khoán 10”) cho phép hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài.
Với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, và đã có thời gian là Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng là người thúc đẩy việc hoàn thiện đường lối đổi mới. Chúng ta biết rằng, đường lối đổi mới do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đề ra với những ngọn cờ sáng giá là các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh... Nhưng, đường lối đó mới chỉ là bước đầu. Quá trình hoàn thiện đường lối đổi mới phải được đặt vào quá trình hình thành đường lối đổi mới, làm thành một chỉnh thể. Đồng chí Đào Duy Tùng đã tham gia tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới đó.
Đối với việc xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng, tháng 12/1986, đồng chí Đào Duy Tùng là thành viên của Tổ soạn thảo Báo cáo chính trị, đã có những sáng kiến về xây dựng “ba quan điểm về kinh tế” (Bố trí cơ cấu kinh tế; Cải tạo xã hội chủ nghĩa; Cơ chế quản lý).
Đối với Đại hội VII, đồng chí Đào Duy Tùng là một trong những người đóng góp tích cực nhất đưa ra nhận định về 4 nguy cơ và được Hội nghị đưa vào Nghị quyết, đó là: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp, nhịp độ tăng trưởng chưa cao và chưa vững chắc, lại phải đi lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt; Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chủ trương, chính sách và chỉ đạo thực hiện; Nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ nạn quan liêu; Nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Đối với Đại hội VIII (năm 1996), đồng chí Đào Duy Tùng tham gia chủ chốt vào việc chuẩn bị văn kiện cho Đại hội, trong đó tập trung rõ nhất là đóng góp trong việc đánh giá 10 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới (1986 – 1996). Những đánh giá rất quan trọng và bắt mạch đúng thực trạng cũng như xu thế phát triển của Việt Nam: “Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn”.
GS. TS Tạ Ngọc Tấn: Đồng chí Đào Duy Tùng – Con người đổi mới của Đảng
Bàn về tư tưởng đổi mới của đồng chí Đào Duy Tùng, chúng tôi muốn đề cập đến tư tưởng đổi mới của đồng chí ở hai thời kỳ: Thời kỳ trước Đổi mới; và thời kỳ Đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng. Trong thời kỳ trước Đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng là người ủng hộ những đổi mới trong quản lý kinh tế nông nghiệp ngay từ những manh nha ban đầu, từ những sáng kiến của nhân dân, những sáng kiến từ thực tiễn phát triển của nền nông nghiệp của đất nước từ sau năm 1975.
Cần biết rằng, trong thời kỳ cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi phương thức khoán hộ với tên tuổi đồng chí Bí thư Kim Ngọc được áp dụng ở Vĩnh Phú, đã bị phê phán như một sai lầm về định hướng xã hội chủ nghĩa, có thể trở thành mầm mống của sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở khu vực nông thôn.
Đại hội VI của Đảng đã được khẳng định là mở đầu cho thời kỳ Đổi mới, nhưng những ý tưởng, quan điểm thể hiện tư tưởng đổi mới của Đại hội VI đã được thai nghén, trăn trở, được nghiên cứu, tổng kết từ trước đó, nhất là trong quá trình chuẩn bị văn kiện của Đại hội. Đại hội VI là bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, quyết định đường lối đổi mới.
Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VII của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng được Bộ Chính trị giao làm Thường trực Tiểu ban văn kiện có trách nhiệm chuẩn bị Báo cáo Chính trị và xây dựng dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991).
Chúng ta biết rằng, thời điểm Đại hội lần thứ VII của Đảng thảo luận và thông qua Cương lĩnh 1991, cũng là thời điểm mà bức tường Berlin đã sụp đổ, Đảng Cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa đã thất bại ở một số nước khu vực trung và đông Âu. Tình hình ở Liên Xô, thành trì của chủ nghĩa xã hội thế giới cũng vô cùng phức tạp, nội bộ Đảng Cộng sản phân hóa nặng nề và mất sức chiến đấu, báo hiệu nguy cơ sụp đổ đã nhãn tiền và sẽ kéo theo sự tan rã của hệ thống chủ nghĩa xã hội hiện thực trên toàn thế giới.
Trên cơ sở Cương lĩnh 1991, Đảng ta tiếp tục quan tâm nghiên cứu, tổng kết thực tiễn nhằm nâng cao nhận thức lý luận và không ngừng hoàn thiện đường lối đổi mới, hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Cơ sở cho những tư tưởng đổi mới của đồng chí Đào Duy Tùng dựa vào quan điểm phương pháp luận của đồng chí về nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; tác phong làm việc nói chung và trong nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận của đồng chí.