Đồng Tháp hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện “4 tại chỗ”

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở Công Thương Đồng Tháp vừa có hướng dẫn thực hiện phương án tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động và sự phát triển của DN.

Theo đó, yêu cầu DN hoạt động sản xuất thực hiện theo “4 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ, y tế tại chỗ) phải ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
DN phải có kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19; phương án sản xuất “4 tại chỗ”; bản đồ chung sống an toàn với Covid-19; bản đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại DN; bản cam kết thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 của DN với người lao động, với đơn vị cung cấp dịch vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa (áo xanh, giữa) thăm DN thực hiện '3 tại chỗ' trên địa bàn. Ảnh: V.K  
Trong “4 tại chỗ” thì quy định về “ở tại chỗ” là nơi lưu trú tập trung hoặc nơi lưu trú dã chiến tại DN (ưu tiên thực hiện). Nơi lưu trú tập trung gồm khu ký túc xá công nhân; khách sạn, nhà nghỉ; khu nhà trọ và khu nhà ở chỉ dành cho người lao động của DN. Nơi lưu trú tập trung chỉ lưu trú người lao động của DN, không bố trí chung với lao động DN khác hoặc hộ gia đình, người dân.
Về “y tế tại chỗ”, DN phải có bộ phận chuyên môn y tế, có cán bộ y tế có năng lực thực hiện test sàng lọc. Trong điều kiện DN chưa có bộ phận y tế thì phải thành lập bộ phận y tế, thực hiện tuyển dụng cán bộ y tế hoặc ký hợp đồng với tổ chức y tế làm việc cho công ty (có thể ký hợp đồng với trung tâm y tế địa phương, bệnh viện hoặc cơ sở y tế tư nhân có đủ năng lực) để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19...
DN có kế hoạch xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho người lao động. Cụ thể, thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ hàng tuần ít nhất 20% lao động tại công ty bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test nhanh kháng nguyên (đối với DN chưa có ca F0, F1); xét nghiệm sàng lọc định kỳ hàng tuần ít nhất 50% lao động tại công ty bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test nhanh kháng nguyên (đối với DN đã từng có ca F0, F1 và đã hoàn thành thời gian cách ly theo quy định).
Bố trí ít nhất 1 phòng cách ly tạm thời F0 và 1 phòng cách ly tạm thời F1 ngay tại DN, vị trí phòng cách ly cách xa các khu vực sản xuất, nơi ăn, nơi nghỉ của lao động; báo UBND cấp huyện, xã và ngành y tế địa phương để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định…
Tính đến sáng nay (21/8), Đồng Tháp có 5.768 ca mắc Covid-19. Từ 21/8, tỉnh bắt đầu triển khai việc tầm soát Covid-19 diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh chọn 3 ngày (21-23/8) để tập trung tầm soát diện rộng với quyết tâm sẽ tìm được hầu hết, phần lớn các trường hợp F0; đồng thời thực hiện quản lý F1 để tránh việc lây lan mầm bệnh ra cộng đồng ở phạm vi rộng.
Tận dụng tối đa xét nghiệm RT-PCR để xác định ca dương tính và nếu diện rộng thì làm mẫu gộp, còn địa bàn trọng điểm thì làm mẫu đơn. Hiện hệ thống xét nghiệm RT-PCR của tỉnh có thể thu dung, làm mẫu xét nghiệm RT-PCR lên tới 8.000 mẫu/ngày, do các đơn vị trong tỉnh phụ trách…