Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dòng tiền thông minh sẽ đổ về Việt Nam

Nha Trang thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận định về cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư châu Âu nói chung và đầu tư từ Anh nói riêng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng cho rằng, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những thị trường giàu tiềm năng, có chính sách vĩ mô ổn định, có tính chuyên nghiệp cao và khả năng bảo vệ lợi ích nhà đầu tư (NĐT) tốt.

 
Mới đây, Bộ Tài chính, UBCKNN đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Anh, trong đó có mục tiêu gọi vốn từ nhà đầu tư châu Âu nói chung và thị trường Anh nói riêng. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này của TTCK Việt Nam?
- Đúng là NĐT châu Âu nói chung và NĐT Anh quốc nói riêng chuyên nghiệp và đòi hỏi rất cao. Tuy nhiên, với lợi thế, tiềm năng của TTCK Việt Nam, cùng với xu thế hội nhập tài chính và xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những thị trường giàu tiềm năng, có chính sách vĩ mô ổn định, có tính chuyên nghiệp cao và khả năng bảo vệ lợi ích NĐT tốt. TTCK Việt Nam cũng đang phát triển cả về quy mô và chất lượng, có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiều NĐT. Thực tế, nhiều NĐT từ Anh quốc đã từ lâu gắn bó và thành công với TTCK Việt Nam.
Thời gian qua, TTCK Việt Nam đang ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế, là kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt khoảng 4,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 78% GDP ước tính năm 2018, tăng 11,2% so với đầu năm 2019. Việt Nam cũng được đánh giá là một điểm sáng trong khu vực về tốc độ phát triển cũng như điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài, là thị trường không chỉ phát triển nhanh về “lượng”, mà đã có sự chuyển dịch rõ rệt về “chất”.
Đầu tư gián tiếp của Anh vào Việt Nam hiện xấp xỉ 1 tỷ USD, còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của NĐT Anh và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước, và còn nhiều tiềm năng cho các NĐT Anh.
Ông đánh giá thế nào về những cải cách để hoàn thiện chính sách nhằm phát triển TTCK của Việt Nam trong thời gian qua?
- Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực trong công tác hoàn thiện chính sách phát triển TTCK, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng đã được trình Quốc hội cho ý kiến, với nhiều điểm mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng hoàn thiện chính sách để TTCK phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, nhằm mục tiêu là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, cũng như tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới. Bộ Tài chính và UBCKNN cũng đang tích cực triển khai các giải pháp chính sách về nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn MSCI.
Nếu việc kêu gọi NĐT Anh và NĐT châu Âu thuận lợi, liệu chúng ta có nên kỳ vọng rằng, quá trình nâng hạng theo chuẩn MSCI sẽ được rút ngắn hơn, thưa ông?
- Hiện, TTCK Việt Nam cũng đã được Tổ chức FTSE Russell đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai. Khi chúng ta đưa được tiềm năng, cơ hội của thị trường vốn Việt Nam đến gần hơn tới NĐT và trao đổi, giải đáp được những băn khoăn của họ, thì rõ ràng các nguồn vốn đầu tư có chất lượng vào Việt Nam sẽ tăng; và các tiêu chí cả về định lượng và định tính của các tổ chức như MSCI hay FTSE Russell sẽ sớm được đáp ứng.
Sau những nỗ lực của Việt Nam, ông kỳ vọng gì về dòng vốn đến từ châu Âu và Anh?
- Từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (vốn FII) liên tục vào ròng TTCK Việt Nam ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỷ USD/năm (giai đoạn 2016 – 2018). Trong bối cảnh tình hình tài chính - chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, xu hướng NĐT rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, thị trường cận biên thì Việt Nam vẫn là điểm đến của các NĐT nước ngoài với giá trị vốn FII vào ròng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,28 tỷ USD.
Chúng tôi hy vọng, hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp sẽ giúp DN, NĐT Anh hiểu rõ những chính sách mở cửa tạo thuận lợi cho đầu tư của Việt Nam, củng cố lòng tin của NĐT Anh đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam. DN hai bên mở rộng thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư trên thị trường vốn Việt Nam. Qua đó, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FII từ Anh sẽ ngày càng phát triển ổn định tương xứng với tiềm năng, TTCK Việt Nam tiếp tục đón nhận những NĐT đến từ Anh Quốc và các nước trên thế giới.
Xin cảm ơn ông!