Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đột phá trong lĩnh vực tư pháp

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc triển khai dịch vụ công (DVC) mức độ 3 về lĩnh vực tư pháp thời gian qua đã tạo bước đột phá mới về xây dựng chính quyền điện tử, CCHC, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, tạo niềm tin đối với người dân.

Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục
Trong thời gian qua, TP đã chú trọng đẩy mạnh CCHC trong lĩnh vực tư pháp. Theo đó, đã chỉ đạo cập nhật và chỉnh sửa kịp thời các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của TP, cấp huyện và cấp xã theo các văn bản quy phạm mới ban hành trong lĩnh vực tư pháp. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan; tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC trên tất cả các   lĩnh vực quản lý Nhà nước, nhất là TTHC liên quan đến người dân, DN; tạo thuận lợi hơn cho công dân và rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC tại UBND các cấp.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Bên cạnh đó, TP đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác tư pháp; trang thiết bị CNTT được tăng cường. Đề án cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính tại Sở Tư pháp bước đầu đạt kết quả tốt. Đặc biệt, Sở Tư pháp, Sở TT&TT xây dựng, triển khai hệ thống DVC trực tuyến trên địa bàn TP. Đến nay, đã triển khai DVC liên thông: Đăng ký khai sinh - cấp thẻ BHYT - đăng ký thường trú, khai tử - xóa đăng ký thường trú đến 30/30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường thị trấn, bước đầu đạt kết quả khả quan. Toàn TP, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 60%; thời gian giải quyết được rút ngắn từ 20 ngày xuống còn 5 - 7 ngày. Đây là bước đột phá của Hà Nội trong lĩnh vực cải cách TTHC, xây dựng chính quyền điện tử, tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân và DN.
Ngoài ra, Sở Tư pháp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu mở rộng triển khai các DVC: Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký giám hộ, sao lục hộ tịch, chứng thực bản sao từ bản chính; chỉ đạo việc nghiên cứu việc số hóa sổ sách, giấy tờ hộ tịch, để tiến hành xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của TP, bước đầu thí điểm ở quận Long Biên và sẽ triển khai toàn TP trong thời gian tới.
Về đích đầu tiên theo đúng tiến độ yêu cầu
Theo bà Đinh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, trong thời gian qua, quận Long Biên đã thí điểm triển khai xây dựng, áp dụng và bàn giao cho TP 6 TTHC cấp phường, 1 TTHC cấp quận theo dạng DVC mức độ 3; hoàn thành và bàn giao 1 TTHC DVC mức độ 4 cho cả cấp quận và cấp phường. Đối với dịch vụ chứng thực áp dụng theo mức độ 3, đã phối hợp đơn vị tư vấn thí điểm lắp đặt và chạy thử (được đặt tại bộ phận một cửa 14 phường và bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại quận) đáp ứng yêu cầu, làm cơ sở để báo cáo TP xem xét, đầu tư diện rộng thiết bị chụp cho các đơn vị trên địa bàn. Như vậy, đến nay, các TTHC theo danh mục của TP đối với lĩnh vực tư pháp đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch, yêu cầu của TP. Có thể nói, các TTHC lĩnh vực tư pháp đã về đích đầu tiên theo đúng tiến độ yêu cầu.
Trong năm 2017, TP yêu cầu đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, chuẩn hóa, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC trên tất cả các lĩnh vực; trong đó ưu tiên các TTHC liên thông, các TTHC trong một số lĩnh vực trọng tâm. Chính vì vậy, CCHC trong lĩnh vực tư pháp sẽ góp phần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy đầu tư phát triển, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân trên địa bàn TP.