Dự án Điểm thông quan nội địa tại huyện Gia Lâm: Đất bỏ hoang, dân thiếu ruộng sản xuất

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ tháng 2/2011, tuy nhiên đến nay, dự án Điểm thông quan nội địa tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm (gọi tắt là Dự án) vẫn chưa hoàn tất công tác GPMB, khiến người dân bức xúc vì đời sống, sản xuất bị ảnh hưởng.

Hệ lụy từ chậm giải phóng mặt bằng

Đang trong thời điểm mùa vụ, nhưng cánh đồng thôn Vàng (xã Cổ Bi) vẫn chỉ là những bãi đất trống trơn, cây cỏ dại mọc um tùm. Nhiều người dân nơi đây cho hay, khi Dự án được phê duyệt, Công ty TNHH MTV Hanel đã tiến hành đo đạc, lên phương án đền bù, hỗ trợ GPMB phục vụ công tác thu hồi đất. Tuy nhiên đến nay, đã qua nhiều năm nhưng diện tích đất thuộc diện quy hoạch vẫn chưa được sử dụng vào mục đích xây dựng công trình.

Công tác giải phóng mặt bằng Dự án Điểm thông quan nội địa tại huyện Gia Lâm nhiều khả năng không thể hoàn thành trong năm 2017. Ảnh: Trọng Tùng

Theo Quyết định số 7011/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 của UBND TP Hà Nội, tổng diện tích đất thuộc xã Cổ Bi cần thu hồi lên tới 48.864m2. Việc một diện tích đất nông nghiệp lớn bị bỏ hoang hóa, trong khi người dân không có tư liệu sản xuất khiến không ít bà con nông dân tỏ ra bức xúc. Một số hộ dân vì “tiếc” đất nông nghiệp, đã quay trở lại canh tác trên những diện tích đất đã được thu hồi (nhưng chưa sử dụng). Bên cạnh không có đất để sản xuất, việc canh tác tại những diện tích đất không thuộc danh mục cần thu hồi phục vụ Dự án nêu trên cũng rất khó khăn. Nguyên nhân theo chia sẻ của một số hộ dân là trong quá trình san lấp mặt bằng, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng đã bị san lấp, khiến việc cung cấp nguồn nước tưới rất khó khăn. Đến nay, việc hoàn trả hệ thống công trình này cũng được thực hiện rất chậm khiến sản xuất nông nghiệp của bà con bị ảnh hưởng nặng nề.

Không thể xong trong năm 2017

Theo ông Dương Văn Tuấn - Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Gia Lâm, việc một diện tích lớn đất nông nghiệp bị bỏ hoang chưa được sử dụng theo phản ánh là chính xác. Ông Dương Văn Tuấn thông tin, về nguyên nhân khiến Dự án chưa thể triển khai là do còn vướng mắc liên quan tới đền bù, hỗ trợ GPMB của 11 hộ dân với tổng diện tích trên 2.000m2. Hiện, UBND huyện Gia Lâm đang tiến hành xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất. Theo ông Tuấn chia sẻ, khó khăn nhất hiện nay nằm ở hai trường hợp của gia đình ông Nguyễn Huy Nghĩa và bà Trần Thị Lịch. Hai hộ này chưa hợp tác do không đồng tình với kết quả phân loại đất, cũng như mức giá được đền bù, hỗ trợ. Đối với 9 hộ còn lại, phần lớn là đất thổ cư nên theo ông Tuấn là có thể hoàn thành GPMB trong năm 2017.

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong diễn biến liên quan tới công tác chậm hoàn trả kênh mương, thủy lợi nội đồng, Công ty TNHH MTV Hanel đã chi trả khoảng 4 tỷ đồng để UBND xã Cổ Bi tiến hành xây dựng lại. Việc chậm hoàn trả công trình phục vụ sản xuất được cho là trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền xã Cổ Bi. Tuy nhiên, trao đổi với Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Bá Tạo - Chủ tịch UBND xã Cổ Bi biện giải rằng, theo quy hoạch, cơ bản diện tích đất nông nghiệp còn lại trên địa bàn xã (phần lớn thuộc thôn Vàng) sẽ tiếp tục được thu hồi để phục vụ mở rộng dự án Điểm thông quan nội địa nêu trên. Do đó, địa phương một mặt vẫn tiếp tục triển khai hoàn trả hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng, mặt khác cũng phải “cân nhắc” để tránh việc đầu tư bị… lãng phí (?!).

Thực tế, cho đến thời điểm này vẫn chưa thể đánh giá sự lãng phí theo cách nhìn nhận của lãnh đạo xã Cổ Bi. Nhưng một điều có thể chắc chắn là hàng trăm hộ dân hiện vẫn phải trông vào nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp của địa phương này đang thiếu đi tư liệu sản xuất quan trọng nhất là ruộng đất. Trong khi đó, những diện tích mà người dân đang canh tác nông nghiệp thì cũng không biết sẽ còn phải gặp khó khăn đến bao giờ?

Huyện đang xin UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương xây dựng khu tái định cư rộng khoảng 7,2ha tại khu vực thị trấn Trâu Quỳ để ổn định đời sống cho các hộ dân sau GPMB…

Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Gia Lâm Dương Văn Tuấn