Dự án đường sắt 7.000 tỷ chậm tiến độ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đường sắt 7.000 tỷ dự kiến cơ bản hoàn thành ngay giữa năm 2022 nhưng đến nay, đã bước sang tháng cuối của quý I/2023, dự án này vẫn chưa thể “về đích”.

Dự án đường sắt 7.000 tỷ đồng vẫn chưa thể "về đích".
Dự án đường sắt 7.000 tỷ đồng vẫn chưa thể "về đích".

Vướng mắc mặt bằng, vấn đề muôn thuở

Theo kế hoạch ban đầu, đến hết năm 2021 hoàn thành toàn bộ gói 7.000 tỷ. Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhiều gói thầu bị chậm tiến độ do địa phương vướng mắc trong GPMB, chậm bàn giao mặt bằng thi công.

Vì lý do này, tiến độ dự án được lùi lại đến giữa năm 2022. Và đến nay, đã bước sang tháng cuối cùng của quý I/2023, dự án này vẫn chưa thể “về đích”.

Chậm GPMB ảnh hưởng đến tiến độ dự án là câu chuyện muôn thuở tại các dự án giao thông, và dự án 7.000 tỷ đường sắt không phải ngoại lệ. Thậm chí, tháng 9/2022, Ban QLDA85 (một trong hai ban BLDA được Bộ GTVT giao làm đại diện chủ đầu tư dự án) đã có kiến nghị đưa các công trình chậm tiến độ thi công do địa phương GPMB chậm ra khỏi dự án đường sắt 7.000 tỷ.

 

Ban QLDA Đường sắt được Bộ GTVT giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 3 dự án của gói dự án đường sắt 7.000 tỷ đồng gồm: Cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn. Trong khi đó, Ban QLDA85 được giao làm chủ đầu tư một dự án: Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang.

Theo Ban QLDA85, vào thời điểm đó vẫn còn một số địa phương thực hiện GPMB rất chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các hạng mục công trình đã được đầu tư xây dựng cũng như tiến độ thi công gói thầu và của toàn dự án. Đặc biệt là mặt bằng thi công các hạng mục của dự án qua TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Phú Yên.

Bởi vậy, để đẩy nhanh tiến độ GPMB các hạng mục thuộc dự án và xử lý dứt điểm các điểm thắt về công tác GPMB tồn tại kéo dài trong thời gian qua có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, Ban QLDA85 đã kiến nghị Bộ GTVT đưa ra khỏi dự án các công trình chậm GPMB.

Trước đó không lâu, vào tháng 6/2022, Bộ GTVT cũng đã phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án đường sắt gói 7.000 tỷ. Trong văn bản trên, Bộ GTVT chỉ rõ dự án còn có một số hạng mục công trình, gói thầu chậm tiến độ, chưa hoàn thành mà một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng  này là công tác GPMB của các địa phương chậm.

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan cần có giải pháp cứng rắn để giải quyết dứt điểm công tác GPMB theo đúng quy định của pháp luật, nếu cần phải thực hiện cưỡng chế; yêu cầu các nhà thầu có biện pháp khắc phục công việc chậm trễ; kiên quyết và kịp thời xử lý đối với nhà thầu chậm tiến độ theo quy định…

Dự án đường sắt 7.000 tỷ đồng liên tục "trễ hẹn" trong thời gian qua.
Dự án đường sắt 7.000 tỷ đồng liên tục "trễ hẹn" trong thời gian qua.

Sẽ có giải pháp căn cơ?

Vào đầu tháng 2/2023 vừa qua, Cục Quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ GTVT tiếp tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ chậm tiến độ đối với dự án đường sắt 7.000 tỷ đồng này. Cụ thể, một số gói thầu trong 3 dự án còn lại là dự án Hà Nội - Vinh, dự án Vinh - Nha Trang và dự án Nha Trang - Sài Gòn nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ năm 2023.

Cục Quản lý Đầu tư xây dựng nhấn mạnh, các dự án trên đều có mục tiêu, tính chất quan trọng, cấp bách. Do đó, cơ quan này yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương phối hợp, làm việc với các cơ quan có liên quan để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, mặt bằng; Đồng thời chỉ đạo nhà thầu thi công huy động tối đa máy móc thiết bị, nhân lực thi công, bù lại tiến độ bị chậm.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Hồng Phương – Giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án đường sắt gói 7.000 tỷ đồng được giao cho hai đơn vị làm đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA Đường sắt và Ban QLDA85. “Phần của chúng tôi đã xong rồi. Còn phần của Ban QLDA85 các hạng mục hầm đang gặp khó khăn và đang phải điều chỉnh tiến độ” – ông Vũ Hồng Phương nói.

Theo lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt, các hầm thuộc dự án đường sắt 7.000 tỷ do Ban QLDA85 làm chủ đầu tư gặp khó khăn do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Một trong những khó khăn lớn nhất là thời gian thi công quá ít. Cụ thể là một ngày chỉ làm được khoảng 4 tiếng, trong khi đó thời gian đưa thiết bị, vật liệu lên công trường cũng mất một nửa thời gian. Thời gian thi công vì thế cũng rất ngắn, chỉ khoảng 2 tiếng/ngày.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Vương Đình Đồng – Quyền Giám đốc Ban QLDA85 thừa nhận nguy cơ chậm tiến độ một số gói thầu trong 3 dự án còn lại của dự án đường sắt 7.000 tỷ đồng như cảnh bảo của Cục Quản lý Đầu tư xây dựng.

Lãnh đạo Ban QLDA85 cho biết, cơ quan này đã làm việc rất kỹ với các địa phương nơi có gói thầu thi công hầm là tỉnh Phú Yên, Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Trong đó có 2 hầm vừa qua xảy ra sự cố bị sụt khi nâng cấp vỏ hầm. Hiện đơn vị đã hoàn thiện lại thiết kế và thống nhất giải pháp xử lý đối với 2 hầm này. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung triển khai và sẽ đáp ứng được tiến độ” – ông Vương Đình Đồng khẳng định.

Ngoài hai hầm xảy ra sự cố trên, quyền Giám đốc Ban QLDA85 thừa nhận, 2 hầm còn lại tiến độ thi công của nhà thầu rất chậm. “Chúng tôi đã tổ chức họp, quán triệt và đưa ra thông điệp rất rõ ràng. Nếu chậm thì đánh giá trong một tháng, chậm thì phải có giải pháp căn cơ” – ông Vương Đình Đồng nói.

Giải pháp căn cơ mà ông Vương Đình Đồng nói đến chính là sẽ điều chuyển khối lượng, phạt hợp đồng, thậm chí là báo cáo Bộ GTVT yêu cầu cấm không cho nhà thầu tham gia đấu thầu các dự án tiếp theo nếu như trong thời gian tới tiến độ hai hầm này vẫn tiếp tục bị chậm trễ.

Khi được hỏi về thời hạn để hai nhà thầu cải thiện tình hình về tiến độ trong bao lâu, ông Vương Đình Đồng cho biết, Ban QLDA85 yêu cầu nhà thầu phải cam kết phải hoàn thành tiến độ và đánh giá tiến độ trên từng tháng, theo dõi trong từng tuần.

“Chúng tôi sẽ  tiến hành rà soát, đánh giá lại tất cả nguyên nhân chậm tiến độ. Ngoài nguyên nhân khách quan thì tất cả những nguyên nhân chủ quan, nhà thầu đều sẽ phải cam kết hoàn thành đúng tiến độ hợp đồng” – ông Vương Đình Đồng khẳng định.

 

Gói 7.000 tỷ vốn trung hạn 2016 - 2020 cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam gồm 4 dự án cấp bách. Mục tiêu nhằm nâng nhằm nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn/m; Tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23 - 25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80 - 90km/h, tàu hàng 50 - 60km/h; Từ đó, có thể khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng 1,3 - 1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5 - 1,6 lần.