Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Luật Quy hoạch: Đảm bảo tính khả thi khi được thông qua

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần này, theo chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự án Luật Quy hoạch.

Đến nay, Dự Luật này đã được thảo luận qua 3 kỳ họp. Nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) đã thể hiện sự đồng tình và mong Luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này, để chuẩn bị cho chiến lược giai đoạn 2021 - 2030.
Tích hợp tạo sự thống nhất

Tiếp thu ý kiến của các ĐB trong các lần thảo luận trước, Dự Luật được đưa ra kỳ họp lần này đã bổ sung cụm từ “hệ thống quy hoạch quốc gia” vào phạm vi điều chỉnh. Theo đó, Luật Quy hoạch sẽ là Luật quy định chung, quy định trình tự lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch…
 Công nhân ngành Điện tập trung cao độ đảm bảo điện ổn định cho nhu cầu của nhân dân đón Tết. Ảnh: Ngọc Thọ
Chỉ ra một thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động quy hoạch và cần thiết phải ban hành Luật, theo ĐB Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông), việc tích hợp trong quy hoạch quốc gia tạo điều kiện cho việc triển khai quy hoạch có hệ thống, đồng bộ và hiệu quả. Việc tập trung thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thuộc Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 36 của Dự Luật sẽ chấm dứt tình trạng mỗi bộ, ngành, địa phương phê duyệt quá nhiều quy hoạch, chồng lấn, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện.

Trong phiên thảo luận vừa qua tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, lần đầu tiên Luật đưa ra khái niệm lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp. Đây là xu thế mà từ tình hình thực tiễn, từ kinh nghiệm của các nước đặt ra. Cần phải có sự tích hợp lại để có sự thống nhất, tránh xung đột, tránh mâu thuẫn và phát huy được tối đa các lợi ích, lợi thế của các ngành, các địa phương. “Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tổ chức lập phương pháp này nên chắc chắn sẽ còn có vấn đề khó, thách thức trong tổ chức thực hiện. Do vậy, cần phải đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các phần mềm để xây dựng quy hoạch đảm bảo thống nhất, độc lập, chất lượng với thời gian nhanh nhất” - Bộ trưởng nêu quan điểm.

Phù hợp với thực tiễn

Thể hiện sự hy vọng khi có Luật, chất lượng quy hoạch sẽ tốt hơn, tuy nhiên, ĐB Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên) lưu ý, vấn đề thực hiện quy hoạch rất quan trọng, đây là khâu hiện rất yếu. “Người dân lâu nay sợ nhất là quy hoạch treo. Nhưng liên quan đến vấn đề này, Dự Luật quy định còn chung chung” - ĐB nhận xét. Đồng thời góp ý: Đối với mỗi một nhóm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, kể cả quy hoạch tỉnh, mỗi loại nên thiết kế một điều bao gồm hệ thống điều kiện về tổ chức quản lý, kiểm tra, chính sách, nguồn lực… riêng và phải có sự phân biệt để ưu tiên khi thực hiện.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng đồng tình: Lập quy hoạch đã khó nhưng giữ được quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn khó nữa, nên Luật thiết kế để đảm bảo được điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhưng cũng phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định.

Cũng liên quan đến tính khả khi, nhiều ĐB đồng tình với việc có một Dự Luật để sửa, đồng thời 25 luật theo hướng chia nhóm theo ngành, lĩnh vực và kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tập hợp, rà soát nhằm xác định phương án sửa chữa. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, để không bỏ sót các quy định liên quan đến quy hoạch, khoản 4 Điều 70 của Dự Luật giao Chính phủ rà soát và ban hành danh mục các quy hoạch được tích hợp quy định và các quy hoạch sản phẩm trước ngày 1/1/2019. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Quy hoạch, trong đó yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị các công việc cần thiết để bảo đảm hiệu lực trong thực thi Luật Quy hoạch.