Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án thép Cà Ná: "Không có lợi ích nhóm”

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời câu hỏi của đại biểu tỉnh Phú Yên về dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định không có lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương tại hội trường Quốc hội, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt câu hỏi: Vì sao dự án Thép Cà Ná được phê duyệt bất chấp phản đối của dư luận? Có hay không lợi ích nhóm trong việc phê duyệt dự án thép Cà Ná? Có hay không chuyện Bộ chạy theo doanh nghiệp để làm dự án?
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, báo cáo tại phiên họp chất vấn của Quốc hội khóa XIV, các quặng sắt tại Việt Nam hiện có trữ lượng khoảng 1,5 tỷ tấn, tuy nhiên, lượng sắt thép nhập khẩu vào Việt Nam mỗi năm phục vụ cho nhu cầu xây dựng và phát triển của đất nước có giá trị khoảng 3 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2020, Việt Nam có thể nhập khẩu lên tới 15 tỷ USD cho các sản phẩm của sắt thép.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn
Hiện nay, ngành sắt thép của Việt Nam chỉ có thể đáp ứng chủ yếu cho một số loại sắt thép xây dựng và sắt thép chuyên ngành. Trong khi đó, nước ta hầu như chưa có các loại sắt thép cơ bản, đặc biệt là thép thô phục vụ cho các ngành cán thép, luyện thép và sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp, các tổng công ty thép tham gia vào lĩnh vực này, tuy nhiên, quy mô còn ở mức nhỏ.
Trong khi đó, mỏ sắt Thạch Khê có quy mô lớn và nếu được khai thác tốt, những quặng sắt tại đây được luyện ở các lò cao phục vụ cho sản xuất thép thô, cán thép và các sản xuất thép khác có thể giúp đóng góp vào mức tăng trưởng hàng năm từ 0,3 - 0,4% GDP.
Chủ trương, quan điểm của Chính phủ là phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong các lĩnh vực công nghiệp, phải tiếp tục ưu tiên khai thác các nguồn tài nguyên và đảm bảo sự phát triển của các ngành công nghiệp cơ bản, tạo nền tảng cho sự phát triển của các ngành kinh tế công nghiệp và các ngành kinh tế khác.
"Tất nhiên, tôi khẳng định lại, chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy các dự án công nghiệp bằng mọi giá. Không có chuyện dự án thép đánh đổi môi trường. Không có lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng, dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận đã được thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục, trong đó bao gồm cả phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo DMC về môi trường. Trong giai đoạn 2008 - 2009, dự án thép này không được tiếp tục thực hiện do năng lực tài chính của chủ đầu tư gặp vấn đề sau khủng hoảng tài chính và được đưa ra khỏi quy hoạch. Cuối năm 2015, dự án tiếp tục được nghiên cứu và tập đoàn Tôn Hoa Sen đã đề xuất đưa dự án vào quy hoạch thép mới đồng thời đề nghị xin chủ trương đầu tư để thực hiện dự án.

Với những cam kết và đề xuất kèm theo cam kết đảm bảo an toàn về môi trường thông qua công nghệ của chủ đầu tư, Bộ Công Thương đã căn cứ trên những yêu cầu thực tế trong việc phát triển công nghiệp sản xuất thép đã tổ chức khảo sát và làm việc với tỉnh Ninh Thuận, đánh giá hiện trạng và khảo sát địa điểm và kiểm tra năng lực của nhà đầu tư. Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định đây mới chỉ là điều chỉnh về quy hoạch, được xây dựng dựa trên đánh giá về những lợi thế phù hợp về mặt địa điểm cho phát triển các dự án đầu tư mà không phải là dự án đầu tư đã được phê duyệt.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh đây là quan điểm phát triển bền vững, phát triển hài hòa, ổn định kinh tế, khai thác những lợi thế của đất nước. Do đó, dự án thép Cà Ná đã được xem xét cẩn trọng với đầy đủ các quy trình, được phê duyệt tại quy hoạch thép. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc đầu tư vào dự án có hiệu quả và đảm bảo việc bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các bộ ngành phối hợp, làm rõ với chủ đầu tư, với địa phương về tất cả các nội dung liên quan đến các báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi của dự án. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả chi tiết liên quan đến công nghệ, thiết bị, phương án xử lý rác thải, chất tải, phương án bảo vệ môi trường, hiệu suất của dự án, hiệu suất của năng lượng sử dụng và các vấn đề khác của dự án đều được xem xét, phê duyệt và thâm định trước khi dự án có hiệu quả về mặt pháp lý. Bộ trưởng Công Thương khẳng định các công tác liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật với sự tham gia của các bộ ngành.

Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh: "Không chỉ dự án thép Cà Ná, mà còn dự án khác như thép Dung Quất mà mới đây Tập đoàn Hòa Phát báo cáo xin tham dự và các dự án thép khác đều phải đảm bảo các quy định của pháp luật, đặc biệt là dựa trên nguyên tắc cao nhất bảo vệ môi trường, từ những bài học mà chúng ta rút ra từ dự án thép của Formosa".