Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự kiến hoàn thành sửa Luật Đất đai và Luật Kinh doanh BĐS vào năm 2023

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 24/5, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình của năm 2022. Theo đó, dự kiến trình Quốc hội Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp cuối năm 2022 và thông qua tại Kỳ họp cuối năm 2023.

Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét theo quy trình 3 Kỳ họp

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về điều chỉnh Chương trình năm 2022, tại Kỳ họp thứ 3 trình Quốc hội thông qua 5 luật, 4 nghị quyết; cho ý kiến 6 dự án luật. Trong khi đó tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) thông qua 7 luật (gồm 1 luật theo quy trình tại một kỳ họp mới được bổ sung, 6 luật đã có trong chương trình); cho ý kiến 7 dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình Tờ trình tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình Tờ trình tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội đến khi có chủ trương, định hướng, chỉ đạo của T.Ư về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Luật; đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung đồng bộ, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các văn bản luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ, đây là Dự án Luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt khác, Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư khóa XIII (tháng 5/2022) mới tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành Nghị quyết mới nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, hoàn thiện dự án Luật. “Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình Dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 Kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6)” – Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Trong năm 2023, dự kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) sẽ trình Quốc hội thông qua 6 luật và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho ý kiến 6 dự án luật. Còn tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) trình thông qua 6 luật; cho ý kiến 2 dự án luật. Trong đó, 2 dự án luật Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cũng dự kiến trình vào Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 cùng thời điểm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với 3 dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), nhưng chưa được Quốc hội đồng ý xem xét, thông qua, nên Chính phủ cần chuẩn bị văn bản báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh các dự án luật này, đồng thời báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định đưa vào Chương trình.

Lấy ý kiến rộng rãi hơn đối tượng chịu tác động của Luật

Thảo luận sau đó, các ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh có nhiều đổi mới, tiến bộ và kết quả tích cực. Tuy vậy, một số hạn chế, bất cập tồn tại từ lâu vẫn chưa được khắc phục, vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.

đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội), việc điều chỉnh thường xuyên cho thấy tính ổn định của chương trình chưa bền vững, trong khi đây là gốc rễ thuộc quyền lập pháp của Quốc hội. Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là luật hóa sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội về chiến lược lập pháp. Đại biểu cho rằng, chúng ta có chiến lược liên quan kinh tế xã hội, đầu tư công, kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, nên có tầm nhìn xa hơn về xây dựng pháp luật.

Đồng thời, đại biểu cũng góp ý việc mở rộng thành phần soạn thảo các dự án, chú trọng các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là đối tượng chịu tác động để họ lên tiếng; lấy ý kiến Nhân dân rộng rãi về dự án luật có tác động rộng. Không đưa vào chương trình các dự án mà Quốc hội khóa trước đã không tán thành. "Không thể có chuyện khóa trước không tán thành và khóa sau đó lại “khởi động lại”, như thế sẽ không bảo đảm tính lãnh đạo thống nhất của Đảng và ý nghĩa xã hội chung về những vấn đề Quốc hội đã nêu" - đại biểu Vân nêu rõ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị nguyên tắc xuyên suốt trong công tác lập pháp của Quốc hội khi chấp thuận đưa một sáng kiến lập pháp nào vào chương trình lập pháp của Quốc hội phải buộc cơ quan đề xuất có bản đối chiếu, phân tích và đánh giá hai cực "phí tổn và lợi ích" của dự án luật đó.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu dẫn chứng thực tế có những luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước nhưng rất bất tiện cho người dân. Có luật bị rơi vào quên lãng hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách, hay biện pháp hành chính, không phải là một luật đúng nghĩa. Có những lĩnh vực cần làm chung một đạo luật đầy đủ các bộ phận liên quan nhau để tránh chồng chéo và thuận tiện cho người dân, không nên chia cắt thành nhiều luật. Hay những vấn đề chỉ cần một nghị quyết của Quốc hội, một nghị định của Chính phủ là đủ để điều chỉnh, thậm chí hiệu quả điều chỉnh cao hơn thì không nên làm luật...

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, đề cập các Dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ trước giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và các bước đang được tiến hành để xin ý kiến cấp thẩm quyền trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình.