Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại.
Phương án 2 +2 kể trên được đông đảo dư luận, học sinh, giáo viên, phụ huynh trên cả nước đồng tình vì đảm bảo tính gọn nhẹ, giúp giảm chi phí, tạo điều kiện để thí sinh phát huy năng lực sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, vẫn có một số người băn khoăn đặt câu hỏi: Khi ngoại ngữ không phải là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc thì có làm giảm chất lượng dạy và học môn này không? Không bắt buộc học ngoại ngữ có đi ngược lại với xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới hiện nay?
Ngoài ra, cũng không ít người lo lắng bởi một khi ngoại ngữ là môn thi lựa chọn, học sinh, phụ huynh có xem nhẹ, thậm chí bỏ qua môn học này?
Chia sẻ quan điểm về vấn đề không bắt buộc thi ngoại ngữ, TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình với phương án của Bộ GD&ĐT.
“Không bắt buộc thi ngoại ngữ là hợp lý vì với những học sinh không có sở trường là ngoại ngữ và cũng không cần sử dụng sau khi tốt nghiệp thì có thể chọn thi môn khác và không thi ngoại ngữ”, TS Nguyễn Thị Cúc Phương nói.
Tuy nhiên, theo TS Cúc Phương, học sinh không chọn thi ngoại ngữ không đồng nghĩa với việc không học ngoại ngữ.
“Hiện tại, hầu hết các trường đại học đều có quy định về trình độ ngoại ngữ trong chuẩn đầu ra. Vì thế, nếu các em xác định học đại học thì dù học ở trường nào, ngành nào vẫn cần phải học tốt ngoại ngữ. Tuyệt đối không vì nó không phải môn thi bắt buộc mà xem nhẹ, bỏ qua việc học bởi nếu không học tốt ngoại ngữ thì các em sẽ không đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp”, TS Cúc Phương phân tích.