Du lịch Hà Nội cần được đầu tư đúng tầm

Hồ Hạ thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số  06 - NQ/TU “Về phát triển du lị...

Kinhtedothi - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số  06 - NQ/TU “Về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo”, đây được coi là định hướng chiến lược nhằm đưa du lịch Hà Nội phát triển mạnh mẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô. 

Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở Du lịch Đỗ Đình Hồng về những dự định, quyết tâm đưa ngành công nghiệp không khói Thủ đô phát triển đúng tầm.

Lượng du khách chiếm 1/3 cả nước
Giám đốc Sở Du lịch Đỗ Đình Hồng
Giám đốc Sở Du lịch Đỗ Đình Hồng

Với tư cách người đứng đầu ngành du lịch Hà Nội, theo ông đâu là những thuận lợi và thành công của du lịch Hà Nội trong thời gian qua?

- Những năm qua, ngành du lịch Thủ đô đã luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Lượng khách du lịch chiếm khoảng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, mức tăng bình quân hơn 10%/năm. Năm 2015, Hà Nội đón 3,26 triệu lượt khách quốc tế và 16,43 triệu lượt khách trong nước. Hà Nội đã khẳng định được là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách chủ yếu của khu vực phía Bắc. Đồng thời, được bình chọn là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á. Tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định, bình quân trên 15%/năm, năm 2015 đạt gần 55.000 tỷ đồng (dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm tỷ trọng 3,2% GRDP của Hà Nội)...

Ngoài những thuận lợi và thành công đạt được, du lịch Hà Nội cũng đang đứng trước nhiều khó khăn chung của du lịch cả nước và những thách thức riêng, ông có thể nói rõ thêm về điều này?

- Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng hiệu quả kinh tế từ du lịch chưa cao, đóng góp vào GRDP của TP còn thấp. Bên cạnh đó, Hà Nội còn thiếu những khu, điểm  vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Hoạt động du lịch còn manh mún, thiếu đồng bộ, phần lớn các DN du lịch có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Nhìn chung, chúng ta vẫn chưa nhận thức đúng đắn vai trò của du lịch, ngay cả những người làm du lịch cũng chưa xác định rõ vai ngành kinh tế mũi nhọn của mình.

Bật mí bức tranh du lịch Hà Nội

Nghị quyết số 06 - NQ/TU của Thành ủy đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch Hà Nội sẽ đón 30 triệu lượt khách/năm, trong đó có 5 - 7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình 8 - 10%/năm. Đây là những mục tiêu cao và không dễ dàng đạt được, vậy chúng ta phải làm gì để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng đó trong khi cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn nghèo nàn, nơi tiêu tiền của du khách ít, các khu vui chơi giải trí đẳng cấp còn thiếu trầm trọng…?

- Đúng vậy, để đạt được mục tiêu đó, tới đây, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Theo đó, TP đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, gắn với các chương trình, dự án của quốc gia và Hà Nội. Tập trung đầu tư các tuyến đường kết nối hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch. Tập trung tu bổ, tôn tạo một số di tích trọng điểm để khai thác, phát triển du lịch. Đồng thời, lựa chọn nhà thầu chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực hồ Tây, bãi giữa và hai bên sông Hồng, khu vực Nhật Tân – Nội Bài, khu du lịch quốc gia Ba Vì – Suối Hai, khu vực thắng cảnh Hương Sơn – hồ Quan – hồ Tuy Lai. Hà Nội sẽ xây dựng từ 2 – 3 khu du lịch vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế. TP sẽ xây dựng một số đường, phố, vườn hoa, tiểu cảnh... đặc sắc để thu hút, hấp dẫn khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Du khách tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Du khách tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hiện, TP đang triển khai kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xây dựng mạng lưới quy hoạch công viên, vườn hoa. 43 dự án mà TP Hà Nội kêu gọi đầu tư (đợt 1 năm 2016), có 11 dự án công viên được kêu gọi với số vốn dự kiến 36.800 tỷ đồng. Trong số này, có dự án công viên giải trí đạt tiêu chuẩn quốc tế đặt tại phường Hà Cầu (quận Hà Đông) với quy mô 96 ha, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 4.800 tỷ đồng; dự án công viên vườn hoa giải trí, nghỉ ngơi kết hợp bảo tồn vườn quả Từ Liêm và du lịch sinh thái nông nghiệp (thuộc quận Bắc Từ Liêm), quy mô 178 ha, có số vốn 3.600 tỷ đồng; dự án công viên chuyên đề theo trục đường Hà Nội - Hải Phòng (thuộc quận Long Biên, huyện Gia Lâm), quy mô 200 ha, với số vốn 4.000 tỷ đồng; dự án khu công viên dịch vụ du lịch giải trí Đồng Mô (thuộc thị xã Sơn Tây), quy mô 264 ha có số vốn 5.000 tỷ đồng; Công viên Kim Quy, rộng 198 ha, sẽ do Tập đoàn Sun Group xây dựng tại huyện Đông Anh, gần cầu Nhật Tân. Ngoài ra, còn có một Trung tâm Triển lãm và Hội chợ tầm cỡ quốc tế. Nối giữa hai điểm đến này là trường đua xe công thức 1…

Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến

Chúng ta không chỉ thiếu về cơ sở vật chất mà công tác quảng bá, xúc tiến du lịch vẫn chưa được đầu tư xứng tầm. Nếu nhìn cách xúc tiến du lịch của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia… chúng ta sẽ thấy mình tụt hậu. Vậy điều này sẽ được ngành du lịch Hà Nội quan tâm đầu tư khắc phục thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ xây dựng kế hoạch dài hạn tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước có quy mô, nội dung phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Chủ động ban hành kế hoạch phối hợp với các cơ quan truyền thông, Đại sứ quán, tổ chức quốc tế trên địa bàn TP và Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Song song với đó, Hà Nội đang xây dựng trang thông tin điện tử du lịch nhằm kết nối thông tin toàn cầu và nghiên cứu thị trường. Ngành du lịch cũng xây dựng và tổ chức chương trình liên kết hợp tác, kết nối tour du lịch với các tỉnh, TP trong nước và quốc tế. Đồng thời, chú trọng liên kết có trọng tâm, trọng điểm, để tăng cường sức hấp dẫn với du khách.

Từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch đã đi khảo sát, làm việc với 18 quận, huyện nhằm rà soát, tìm ra giải pháp phát triển du lịch tại các địa phương này nói riêng, phát triển toàn diện ngành du lịch Thủ đô nói chung. Ngành du lịch cũng đã phối hợp với ngành đường sắt để xây dựng tour du lịch bằng đường sắt quanh Hà Nội và vùng phụ cận trong thời gian tới. Ngày 29/7, Hà Nội đã ký kết chương trình “Ba tỉnh, TP – Một điểm đến” với Quảng Ninh và Hải Phòng. Ngày 7/8, Hà Nội sẽ cùng với Huế, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh ký chương trình “Bốn TP – Một điểm đến”,… Đây chỉ là một trong những việc làm cụ thể, bước đầu trong hành trình đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Còn vấn đề nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao vừa thiếu, vừa yếu, chúng ta cần làm gì để khắc phục hạn chế này?

- Để khắc phục yếu kém về nguồn nhân lực, Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của du lịch Thủ đô và hội nhập quốc tế. Tăng cường đào tạo về nghiệp vụ, ngoại ngữ và kỹ năng phục vụ cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch và tất cả những người tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm đến. Đặc biệt, Hà Nội khuyến khích DN tổ chức đào tạo và ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo về du lịch trong nước và ngoài nước; phát triển mô hình khách sạn trường học để đào tạo nghề tiêu chuẩn quốc tế.

Xin cảm ơn ông! 
Nghị quyết số 06 - NQ/TU của Thành ủy đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng thu từ khách du lịch đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình 15 - 17%/năm. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60 - 65%. Đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch…