Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu phong trào văn hóa: Vẫn bốc thuốc chữa bệnh thành tích

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/3, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa. Lần thứ 2 góp ý cho dự thảo Nghị định, nhưng các đại biểu cho rằng vẫn còn những bất cập chưa phù hợp để áp dụng vào thực tiễn.

Chồng chéo từ tiêu chí đến danh hiệu
Dự thảo Nghị định bao gồm 4 chương 18 điều tập trung nhiều nhất vào các nhóm tiêu chí: Chất lượng các danh hiệu Gia đình văn hóa, qua đó bắt buộc để xây dựng thang điểm, khuyến khích cộng điểm hay điểm liệt... Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ xây dựng các mức thang điểm phù hợp với 100 điểm cho các tiêu chí được đề ra, từ 90 điểm sẽ được đề nghị xét tặng. Ngoài ra, điểm mới trong dự thảo Nghị định lần này là không đưa ra chỉ tiêu số lượng các gia đình cần đạt danh hiệu. Điều này sẽ giảm tránh danh hiệu Gia đình văn hóa đang được công nhận tràn lan, dễ dãi như hiện nay. Để công tâm, Ban chỉ đạo chương trình sẽ thành lập hội đồng xét duyệt do Nhà nước quản lý.
 Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định quy định về ''Gia đình văn hóa'', ''Khu dân cư văn hóa''.
Hầu hết các đại biểu đến từ các địa phương đều đưa ra bất cập trong thực hiện theo quy trình mà Nghị định đề ra. Cụ thể, theo ông Dương Hồng Cơ – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang, hiện nay việc xét chọn trên mức thang điểm có thể thực hiện được. Tuy nhiên, có sự chồng chéo khi chưa quy định rõ đủ điểm là đạt danh hiệu hay chỉ cần đủ chỉ tiêu do Hội đồng xét tặng. Ngoài ra theo ông Cơ, hiện nay các địa phương đang có quá nhiều danh hiệu, khiến giá trị giấy chứng nhận Gia đình văn hóa hay Khu dân cư văn hóa giảm đi rõ rệt. Chung quan điểm, bà Đặng Hồng Linh – Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh chỉ rõ, tồn tại các danh hiệu như: Ấp văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Thôn văn hóa… là bất cập. “Tất cả những danh hiệu trên đã bao hàm trong cụm từ “Khu dân cư”. Nhiều danh hiệu thì chất lượng cũng giảm đi. Theo tôi, nên đề ra tiêu chí Gia đình có 3 năm liền đạt danh hiệu tiên tiến và xuất sắc sẽ được nhận thưởng và bằng khen. Như vậy mới đảm bảo được chất lượng và kích thích được quần chúng tham gia phấn đấu” – bà Linh bày tỏ.

Có danh hiệu có tiền thưởng

Đại diện cơ quan quản lý và các chuyên gia đều thống nhất, cần phải có bộ tiêu chí mới cho việc bình xét trong giai đoạn hiện nay; qua đó, khắc phục “bệnh thành tích” trong danh hiệu Gia đình văn hóa. Để cụ thể hơn về vấn đề này, dự thảo Nghị định đã nêu rõ thời hạn xét danh hiệu cho các Gia đình văn hóa là 3 năm và sẽ là 5 năm đối với các danh hiệu Làng văn hóa, Bản văn hóa, Thôn văn hóa, Ấp văn hóa, Tổ dân phố văn hóa. Thêm vào đó, dự thảo quy định mức tiền thưởng cho danh hiệu Gia đình văn hóa bằng 0,3 lần lương cơ sở và đối với các bằng chứng nhận còn lại được xét theo điều 69 Nghị định 91/CP/2017.

Tuy nhiên, với tiêu chí Gia đình văn hóa chỉ cần có trên 60% tổng số dân cư tại địa phương nhất trí tán thành đang là mối băn khoăn lớn cho các tỉnh, TP. Theo ông Cơ, mức độ này quá thấp, sẽ làm đại trà hóa số lượng danh hiệu Gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, đại diện sở văn hóa các tỉnh, TP cho rằng dự thảo Nghị định cần quy định trao danh hiệu văn hóa cho các DN, tổ chức hoạt động trong khu vực.

Sau hội thảo góp ý, Cục Văn hóa cơ sở sẽ chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Nghị định; bởi còn nhiều bất cập từ thực tế chưa được giải quyết. Dự kiến, tháng 6/2018, dự thảo Nghị định xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa phải hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.