Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự thảo phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030: Băn khoăn về Vùng Thủ đô mới

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Bộ KH&ĐT đã công bố lấy ý kiến Dự thảo Báo cáo bổ sung về các phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch. Trong đó, Bộ KH&ĐT đề xuất lựa chọn phương án là trên toàn lãnh thổ sẽ phân thành 7 vùng thay vì 6 vùng như hiện nay. Đáng chú ý, trong phương án này sẽ hình thành Vùng Thủ đô mới trên cơ sở mở rộng thêm một số tỉnh vào Vùng đồng bằng sông Hồng.

 Quang cảnh khu Phú Thượng, quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải

Đáp ứng nhu cầu phát triển
Theo phương án phân Vùng mà Bộ KH&ĐT đề xuất lựa chọn gồm 7 vùng: Vùng miền núi phía Bắc; Vùng Thủ đô (hay Vùng đồng bằng sông Hồng mở rộng); Vùng Bắc Trung Bộ; Vùng Nam Trung Bộ; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điểm mới của phương án này là Vùng Thủ đô mới sẽ gồm 15 tỉnh, TP: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Về ưu điểm của phương án này, Bộ KH&ĐT cho rằng bảo đảm tính kế thừa cao; ít gây xáo trộn về vùng; mở rộng không gian phát triển mới cho Vùng đồng bằng sông Hồng, hình thành Vùng Thủ đô Hà Nội mới, tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc Vùng Trung du và miền núi phía Bắc phát triển hơn. Tính liên kết vùng cũng được đề cao hơn.
Còn với phương án 6 vùng hiện nay, Bộ KH&ĐT cho rằng “đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử” nhưng có nhiều nhược điểm. Chẳng hạn, Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là vùng núi cao nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa Đông Bắc và Tây Bắc làm hạn chế trong việc triển khai thực hiện các chính sách quản lý của Nhà nước đối với các tỉnh trong vùng. Đồng tình quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng việc phân chia 6 vùng như hiện nay đã bộc lộ khá nhiều hạn chế khi tính liên kết vùng còn yếu, trong khi mục tiêu cao nhất của quy hoạch vùng tại Luật Quy hoạch là gắn kết các địa phương trong vùng để cùng phát triển. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là khi Luật Quy hoạch đã được thông qua, việc phân vùng lại là cần thiết và quan trọng.
Không nên gọi là Vùng Thủ đô mới?
Nhiều chuyên gia đánh giá, cần xem xét, nghiên cứu kỹ hơn với phương án lấy thêm các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hòa Bình của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện nay vào vùng Đồng bằng sông Hồng thành Vùng Đồng bằng sông Hồng mở rộng, hay còn gọi là vùng Thủ đô mới.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, việc hình thành, quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội là tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển, đồng thời kích thích sự phát triển của các địa phương xung quanh. Trong vùng sẽ tạo nên một chùm, hệ thống đô thị vừa là để giãn dân đô thị ở lõi (khu vực trung tâm là Hà Nội), vừa tạo điều kiện, kích thích phát triển cho các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng, để các địa phương này cùng chia sẻ, cùng gánh vác nhiệm vụ phát triển của vùng ở các lĩnh vực công nghiệp, văn hóa, thể thao, đào tạo, y tế… Do vậy, bán kính giữa Thủ đô và các địa phương trong vùng chỉ nên khoảng 50 – 70km, để người dân thuận tiện đi vào Thủ đô làm việc, đồng thời tạo nên những khu vực phát triển năng động sát cạnh Thủ đô.
"Dự thảo phân Vùng Thủ đô lần này có tới 15 tỉnh, trong đó xếp tỉnh Quảng Ninh có vùng giáp biên Trung Quốc và cả vùng nông nghiệp rộng lớn thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với những đặc điểm địa lý, kinh tế khác biệt và cách khá xa Hà Nội vào Vùng Thủ đô như trong dự thảo là không phù hợp. Tôi cho rằng không có cơ sở để gọi tên vùng như đề xuất là Vùng Thủ đô mới, mà chỉ có thể gọi đó là Vùng Đồng bằng sông Hồng” – ông Trần Ngọc Chính nêu quan điểm.
GS.TS Nguyễn Tố Lăng - Nguyên Vụ trưởng, Trưởng Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội cho rằng, trong phương án đề xuất, Vùng Thủ đô mới được thành lập trên cơ sở Vùng Đồng bằng sông Hồng trước đây với việc mở rộng thêm 4 tỉnh từ Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Thực chất, đây là sự phân bố lại các tỉnh của hai vùng nói trên, không liên quan đến Vùng Thủ đô Hà Nội mà lâu nay chúng ta quan tâm, gồm 10 tỉnh, TP nhằm phục vụ mục đích thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng. Việc phân vùng cần căn cứ trên các yêu cầu, đặc điểm của từng vùng, cơ bản đã được xác định trong Luật Quy hoạch, bao gồm: Một số tỉnh, TP trực thuộc T.Ư lân cận; có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, lịch sử, dân cư, kết cấu hạ tầng; có mối quan hệ tương tác tạo nên sự liên kết bền vững với nhau. Tuy nhiên, tại phương án đề xuất hình thành Vùng Thủ đô mới, giữa các tỉnh còn có những điểm chưa tương đồng về mặt địa lý, điều kiện phát triển. Điều này sẽ không đáng lo ngại nếu chúng ta có một bộ máy điều hành, quản lý tốt. Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng trong thực tế do Việt Nam không có tổ chức chính quyền vùng. Hơn nữa, sự liên kết giữa các tỉnh, TP không phải lúc nào cũng tốt và đồng bộ.
Hiện tại, việc triển khai đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đang có những thuận lợi nhưng cũng còn nhiều khó khăn nhất định, tuy nhiên đó là trong lĩnh vực quy hoạch và đầu tư xây dựng. Khi phương án phân vùng mới được phê duyệt, việc lập quy hoạch mới sẽ có những định hướng cụ thể cho phát triển vùng. Hy vọng lúc đó Hà Nội sẽ được định hướng phát triển theo vai trò của một đầu tàu.
Nguyên Vụ trưởng, Trưởng Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, GS.TS Nguyễn Tố Lăng