KTĐT - Dubai và Abou Dhabi là hai tiểu vương quốc giàu có nhất thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Các nhà phân tích cho rằng, Abou Dhabi sẽ "xắn tay" vào giúp đỡ Dubai do tinh thần đoàn kết khá cao của các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và cũng để tránh những ảnh hưởng dây chuyền có thể xảy ra.
Dubai và Abou Dhabi là hai tiểu vương quốc giàu có nhất thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Trong khi Dubai phát triển nhờ vào bất động sản, dịch vụ, du lịch và tài chính thì Abu Dhabi làm giàu bằng cách khai thác dầu thô. Cả hai tiểu vương quốc này đều có mối quan hệ mật thiết với nhau.
"Abou Dhabi không thể để cho nền tài chính Dubai sụp đổ vì nó sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến họ. Nếu giúp đỡ Dubai, uy tín Abou Dhabi càng tăng lên và các tiểu vương quốc sẽ phải phụ thuộc vào họ nhiều hơn", ông Ibrahim Khayat, một chuyên gia tại Dubai phân tích.
Thứ tư vừa qua, chính quyền Dubai đã tung ra 5 tỷ USD trong kế hoạch 20 tỷ USD trái phiếu chính phủ đưa ra đầu năm nhằm giải quyết những vấn đề tài chính. 5 tỷ USD này được mua bởi hai ngân hàng của Abou Dhabi là ngân hàng Quốc gia Abu Dhabi và ngân hàng Al Hilal Bank. Hai ngân hàng này được quản lý bởi Hội đồng Đầu tư Adou Dhabi, cơ quan giàu có nhất của các thành viên trong khối.
Ông Cheikh Ahmed ben Saïd al-Maktoum, Chủ tịch Ủy ban Ngân khố tối cao Dubai, người chịu trách nhiệm giải quyết khủng hoảng tài chính, đã nhanh chóng trấn an dư luận: “Chúng tôi hiểu những mối lo của thị trường và của các chủ nợ. Tuy nhiên, Dubai là một nền kinh tế bền vững với nền tảng phát triển vững chắc". Thủ tướng Anh ông Gordon Brown cũng phát biểu: "Hệ thống tài chính toàn cầu hiện tại đủ sức mạnh để đối diện với các vấn đề như thế này".
Hiện tại món nợ toàn cầu của Dubai lên tới 80 tỷ USD trong đó tập đoàn Dubai World chiếm phần lớn 59 tỷ. Vào cuối tuần này những cuộc thương lượng với các chủ nợ sẽ tiếp diễn. Chắc chắn Abu Dhabi sẽ chỉ trích sự đầu tư dàn trải của người hàng xóm, nhưng họ cũng sẽ phải đưa ra bàn tay giúp đỡ vì họ biết rằng sự sụp đổ của nền kinh tế Dubai sẽ gây nên hậu quả xấu trong khối và ngay cả chính họ. Họ sẵn sàng giúp đỡ người láng giềng tất nhiên với những điều kiện nhất định.
Một số chuyên gia cho rằng tài sản của Dubai sẽ bị tịch thu để gán nợ. Với việc đưa gói cứu trợ, có thể Abu Dhabi sẽ nắm quyền trong các công ty của Dubai như Emirates Airlines và Dubai Ports.
Theo công ty phân tích tài chính Moody's, khủng hoảng Dubai sẽ làm chính phủ nhiều nước lo ngại vì các khoản nợ quốc gia tính trên trên toàn cầu đã tăng lên 45% từ năm 2007 đến 2010 do ngày càng nhiều quốc gia phải đi vay để bù đắp thiếu hụt tài chính. Quốc gia châu Âu đầu tiên phải đối mặt với nguy cơ này là Hy Lạp khi mà số nợ lên đến 113,4% GDP và tính minh bạch về tài chính ngày càng giảm đi.