Đừng để... mất rồi mới tiếc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đám cưới lần thứ hai của anh chị Tuấn – Lâm cũng đông đủ họ hàng, bạn bè đôi bên. Họ đến không hẳn để chúc mừng hạnh phúc mới của đôi uyên ương, mà còn chúc cô dâu, chú rể tìm lại được nhau sau những tháng ngày lạc bước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cặp đôi này vốn là vợ chồng cũ, họ để tuột mất hạnh phúc chỉ vì không tự biết kiềm chế bản thân mình. Chị luôn cho rằng anh phản bội mình, cảm thấy như mình bị xúc phạm, tức khí lên và tuyên bố cắt đứt. Anh bực mình cũng hùng hổ “chia tay thì chia tay”. Nhưng sau một thời gian, chị lại thấy ân hận. Chị luôn nghĩ, giá lúc đó mình bao dung hơn, suy nghĩ thoáng hơn thì có thể họ vẫn còn một gia đình hạnh phúc. Bởi chị cảm thấy mình hoàn toàn có thể tha thứ được và muốn cho anh một cơ hội làm lành. Về phần mình, anh cũng ân hận vì tự mình đã không làm vợ tin tưởng. Sau ly hôn, anh vẫn luôn hết lòng chăm lo cho con và chị. Vượt qua những rào cản của suy nghĩ cực đoan, họ mở lòng hơn và quyết định quay lại với nhau, những bài học từ lần trước cũng làm cho họ trân quý hơn tình cảm của đối phương.

Câu chuyện này, nhiều người cho rằng lạ, nhưng thực tế, tại các trung tâm tư vấn hôn nhân và gia đình, có khoảng 60% khách hàng ân hận vì quyết định ly hôn của mình và muốn hàn gắn lại tình cảm với người xưa. Thực tế ấy là bởi, nguyên nhân dẫn đến những quyết định ly hôn thường là do hay thiếu suy nghĩ, do cái “tôi” của mỗi người quá lớn. Không ít cặp vợ chồng, vì cái tôi quá lớn nên không ai chịu chấp nhận cá tính của nhau. Do không biết chấp nhận, nên “cá tính” đó trở thành cái gai trong mắt nhau. Hai cá tính mạnh, hai cái tôi lớn nên mới dẫn đến va chạm, mâu thuẫn và ly hôn. Đa số những cuộc ly hôn vội vã để rồi sau đó phải ân hận thường là những cặp vợ chồng trẻ. Họ không tìm hiểu kỹ càng trước hôn nhân, thậm chí nhiều người trẻ chưa có thái độ thực sự đúng đắn, chưa chuẩn bị tâm thế cho hôn nhân, nên họ không ý thức được vấn đề quan trọng nhất giữa quan hệ hai người là gì. Họ không biết rằng, để duy trì hôn nhân, ngoài tình yêu ra còn là trách nhiệm. Bởi sự thiếu kỹ năng ấy, nên khi xảy ra mâu thuẫn, họ không nhận ra được giá trị đích thực của hôn nhân, không đánh giá được thứ hạnh phúc thực sự mà họ đang có. Họ đã để cho cái “tôi” của mình che lấp những giá trị tốt đẹp của người bạn đời. Chỉ đến khi mất đi mới thấy hối tiếc.

Bởi thế, sau những phút giây bốc đồng và nếm trải sự mất mát, mỗi người sẽ tỉnh lại, ngộ ra những giá trị tình cảm lớn lao, cần thiết cho bản thân và cho những người thân của mình. Họ dễ quay lại cùng nhau không hẳn chỉ là chuyện "tình xưa nghĩa cũ", mà còn như một bài học về kỹ năng sống trong hôn nhân đã được ngộ ra, dù rằng có muộn.