Đụng lợn ngày Tết - Gợi lại ký ức xưa

Hòa Bình Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuân đang về, náo nức khắp phố phường, tôi trốn chạy ồn ào nơi phố thị để được về bên quê hương, ấm áp, yêu thương. Bao ký ức chợt ùa về…

Làng quê muôn đời vẫn thế, vẫn duy trì những tập tục xưa. Những ngày cận Tết, người dân ở làng quê lại háo hức rủ nhau ăn đụng thịt lợn.

Tiếng kêu eng éc lay động cả một bầu không khí yên bình. Nó như báo hiệu Xuân về. Chẳng biết tục đụng lợn có từ bao giờ, khi tôi lớn lên đã thấy râm ran bàn tán mỗi khi Tết đến.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet

“No dồn đói góp”, nhà giàu hay nghèo, khó khăn hay khá giả thì vẫn có lợn đụng để ăn ba ngày Tết. Thế mới có câu ca dao phê phán ông thầy “bói mà chẳng bói”, khẳng định chắc nịch rằng: “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”.

Cứ độ qua trung tuần tháng Chạp, là khắp làng trên xóm dưới rôm rả bàn nhau chuyện đụng lợn Tết. Tùy lợn to hay lợn nhỏ mà dăm bảy nhà giao kèo chung nhau một con. Nhà nào đụng đến mười ký lợn hơi đã là ăn Tết to lắm rồi. Con trẻ ngày đó chỉ chăm chăm hỏi bố mẹ xem nhà mình năm nay đụng bao nhiêu ký lợn, gói bao nhiêu cái bánh chưng. 

Những ngày xa xưa kinh tế khó khăn, các gia đình thường nuôi vài con lợn để ăn rau cỏ trong vườn. Lợn nuôi cả năm mới được bốn, năm mươi kilogram. Đến tháng Chạp (tháng Mười Hai Âm lịch), nhà nào có lợn lớn thì mấy nhà dặn nhau để một con đụng ăn Tết.

Đụng lợn tuỳ thuộc vào kinh tế và con lợn to hay nhỏ mà người ta sẽ ấn định số người đụng. Gia đình khá giả thường lấy một chân (một phần tư con lớn), gia đình ít người lấy nửa chân. Thường thì con lợn làm xong được chia làm tám phần.

Cũng có những năm đói kém thì chia nhiều hơn từ mười hai đến mười sáu phần, ngày xưa lợn đụng sẽ được chia đều cho tất cả các phần. Nghĩa là một phần thịt lợn đụng sẽ có thịt đùi, thịt bụng, xương, thịt đầu và cả lòng. Đến ngày thống nhất đụng lợn thì trai tráng và các trung niên khoẻ mạnh sẽ đảm nhiệm việc làm thịt, thường từ 28 đến 30 Tết.

Ngày làng mổ lợn, tiếng nói, tiếng cười râm ran khắp sân, không khí đúng là “vui như đụng lợn Tết”. Thịt nạc thì giã giò lụa. Mà giã bằng chày gỗ và cối đá, rất công phu. Thịt sỏ thì gói giò xào. Còn lại là thịt bụng, thịt ba chỉ, chân giò, tất cả chia đều cho các nhà.

Thịt lợn đụng làm xong chia đều các phần, trên mỗi phần sẽ có ghi số sau đó làm thăm để mọi người bốc trúng phần nào lấy phần đó. Ai mang về nhà đó chế biến, một phần bộ lòng sẽ được để lại làm tiết canh và luộc mấy anh em làm lợn lai rai với rượu gạo.

Không có tủ lạnh cấp đông như bây giờ nên số thịt còn lại được các gia đình luộc chín, rồi để vào chiếc sàng gạo có quang treo mắc lên góc nhà, tránh chó mèo ăn vụng và để dùng dần cho mấy ngày Tết. Mỡ lá, mỡ khổ không luộc được thì rán lên, đựng vào cái âu, dùng để xào nấu cả mấy tháng. 

Ngày nay kinh tế khá giả hơn xưa, tục đụng lợn vẫn còn nhưng ít hơn so với ngày xưa. Phần vì gia đình bây giờ ít người, phần vị bận rộn nên họ lựa chọn mua cho nhanh gọn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gia đình đụng lợn ăn Tết, họ đụng vì đó là lợn họ nuôi được nên yên tâm về an toàn thực phẩm. Lợn nuôi ở quê thường chậm lớn, thịt sẽ chắc và thơm hơn.

Tục đụng lợn cũng thay đổi theo thời gian, bây giờ, đụng lợn đa số chia làm bốn. Mọi người đăng ký trước ai lấy chân trước, ai lấy chân sau. Đầu lòng để lại cho anh em làm nhậu sau khi chia xong. Tuy không còn nhiều nhà đụng lợn nhưng nét văn hoá làng quê vẫn còn đó.  “Đụng lợn”, hay ăn “đụng” là một sinh hoạt gắn với ngày Tết của người Việt. Việc các gia đình đụng lợn ăn Tết để vừa có thực phẩm sạch vừa tăng tình đoàn kết trong thôn xóm.

Những đứa con phải rời quê hương xa xứ, cơm áo gạo tiền làm họ ít có thời gian về thăm quê thế nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn nhớ. Nhớ cái tình quê ấm áp, nhớ bát chè xanh, nhớ những ly rượu bên bếp than hồng. Nhớ những món ngon ngày đói khổ mà chỉ có Tết gia đình mới có thể sửa soạn cho con cháu thưởng thức.

Thời nay xã hội phát triển, người quê không còn thiếu thốn cơm ăn, áo mặc như xưa. Tết vẫn là không khí thiêng liêng ấm cúng bên gia đình người Việt. Tết vẫn còn đó những tập tục khơi gợi cho thế hệ trẻ nhớ về thời ông cha ta từng như thế. Cái đói nghèo xa xưa giúp họ lưu giữ những niềm vui, tình làng nghĩa xóm lại được tiếp thêm sức mạnh mỗi độ Xuân về.