KTĐT - Các dự án giao thông lớn sau khi hoàn thành thường kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của các khu vực xung quanh, trong đó đặc biệt là thị trường bất động sản nơi các tuyến giao thông chính đi qua.
Điểm mặt các đại công trình
Theo ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), chưa bao giờ ngành GTVT lại cùng một lúc triển khai nhiều dự án lớn như năm 2009. Chỉ tính các dự án có tổng vốn đầu tư từ gần 10.000 tỷ đồng trở lên, số lượng đại công trình giao thông được khởi công trong năm qua đã lên tới con số 6, gồm: 4 dự án đường bộ cao tốc, 1 dự án cầu vượt sông và 1 dự án cảng biển nước sâu.
Ngoại trừ Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (dài 61,3 km, tổng vốn đầu tư 8.104 tỷ đồng, được khởi công vào ngày 24/11/2009) do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, 3 dự án đường bộ cao tốc còn lại đều do các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư.
Là dự án đường bộ cao tốc có quy mô vốn lớn nhất, Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, được khởi công vào cuối tháng 4/2009. Với tổng vốn đầu tư lên tới gần 20.000 tỷ đồng, Tuyến đường cao tốc từ Lào Cai về Hà Nội dài 264 km có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở tầm quốc gia, mà còn là con đường thúc đẩy phát triển kinh tế của các nước trong Tiểu vùng sông Mekong.
Cũng do VEC làm chủ đầu tư, Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, được khởi công vào đầu tháng10/2009. Dự án có tổng vốn đầu tư 932,4 triệu USD, được vay dưới hình thức ODA, OCR từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á và do VEC huy động bằng trái phiếu công trình.
Là một phần của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, Dự án đầu tư xây dựng Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư theo hình thức BOT, do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào cuối tháng 11/2009, có chiều dài 54 km, với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Được khởi công vào đầu tháng 3/2009, tại Hà Nội, Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu có tổng vốn đầu tư 13.626 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Không chỉ lớn nhất về quy mô, cầu Nhật Tân được đánh giá là công trình cầu vượt sông hiện đại và đẹp nhất Việt Nam.
Là công trình trọng điểm quốc gia, Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động) do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm chủ đầu tư, được khởi công vào đầu tháng 10/2009.
Nằm ở vị trí "thiên thời, địa lợi", Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong được xây dựng hoàn chỉnh trong vũng Đầm Môn, gồm 25 bến cho tàu container sức chở đến 15.000 TEU và 12 bến cho tàu chở tổng hợp, với tổng diện tích toàn cảng lên tới 750 ha, chiều dài bến là 12.590 m. Tổng vốn đầu tư của công trình khi hoàn thành có thể lên tới 3,6 tỷ USD.
"Không chỉ góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông trong vài năm tới, hàng loạt siêu dự án có quy mô vốn lên tới cả tỷ USD được khởi công trong năm 2009 đang trực tiếp góp phần phục hồi nền kinh tế đất nước", ông Đức đánh giá.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, kỷ lục giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngành GTVT lên tới 25.000 tỷ đồng có đóng góp rất lớn từ các khoản giải ngân tại 6 đại dự án này.
Nỗi lo thiếu mặt bằng, nhân công, vật liệu
"Khó khăn lớn nhất đối với các siêu dự án này chính là việc các tiểu dự án giải phóng mặt bằng do các địa phương làm chủ đầu tư có kịp hoàn thành đúng tiến độ hay không? Hiện tại, ngoại trừ Dự án xây dựng cảng Vân Phong đã cơ bản có đủ mặt bằng, cả 5 dự án giao thông còn lại có diện tích đất chiếm dụng rất lớn, liên quan đến nhiều địa phương và các chủ đầu tư đều phải khởi động công trình trong nỗi lo phấp phỏng về công địa thi công", ông Đức cho biết.
Bên cạnh nỗi lo về mặt bằng là những dự cảm không mấy tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước về nguy cơ thiếu nhân lực thi công khi những "siêu dự án" này bước vào giai đoạn thi công nước rút.
Theo các chuyên gia, mặc dù các chủ đầu tư 6 dự án lớn nói trên đều áp dụng hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi cho các gói thầu xây lắp và tư vấn, nhưng không vì thế mà sự căng thẳng về nguồn nhân lực phục vụ thi công giảm đi.
Điều chắc chắn là, không một nhà thầu quốc tế nào khi trúng thầu lại huy động cả ngàn lao động, cùng các thiết bị, máy móc vượt hàng ngàn cây số với vô số thủ tục phức tạp sang Việt Nam để trực tiếp thi công. Do vậy, ngoài bộ khung quản lý dự án, chỗ dựa về nhân lực thi công chính của họ vẫn là các nhà thầu trong nước.
Trong khi đó, ngoài 7 tổng công ty xây dựng công trình giao thông lớn của Bộ GTVT, số doanh nghiệp xây dựng khác thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, các công ty tư nhân có năng lực thi công các công trình giao thông quy mô lớn, phức tạp về công nghệ, đạt giá trị sản lượng trung bình khoảng 2.000 tỷ đồng/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nguy cơ thiếu nhân lực sẽ còn gia tăng, khi trong năm 2010, một số dự án giao thông lớn nữa sẽ được triển khai, như Dự án xây dựng đường vành đai III Hà Nội đoạn Mai Dịch - Pháp Vân (giai đoạn II), Dự án xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Dự án xây dựng Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết...
Đây thực sự là một bài toán hóc búa đối với các chủ đầu tư trong việc đảm bảo tiến độ triển khai các dự án lớn, bởi máy móc, thiết bị thi công có thể bổ sung gấp được, song việc đào tạo cán bộ quản lý dự án, kỹ sư thi công, lao động có tay nghề cao không phải là một việc có thể thực hiện trong một sớm, một chiều.