KTĐT - Những đường hầm trở thành mạch máu sống còn với dải Gaza suốt 2 năm trở lại đây, khi Hamas giành chiến thắng tại Palestine khiến Israel và Ai cập áp đặt lệnh cấm vận kinh tế và chính trị với nước này.
Những thành phố dọc dải Gaza trở thành "thánh địa mua sắm", bất chấp lệnh cấm vận kinh tế của các nước, nhờ vào hệ thống đường hầm chằng chịt bên dưới sa mạc cát.
Những chiếc bao tải đầy bụi bặm, đựng hàng trăm lon Coca-Cola được bé trai chất lần lượt lên xe tải. Từ đây, xe hối hả lao đến siêu thị ở các thành phố dọc dải Gaza. Ở một sân vận động gần đó, hàng nghìn chiếc xe máy xếp thành hàng chờ người mua, với giá mỗi chiếc từ 2.000 đến 10.000 USD.
Hàng trăm đường hầm như thế này nối liền Ai Cập, Israel với dải Gaza. Chúng hầu như là con đường duy nhất đưa thực phẩm, hàng hóa đến khu vực nhỏ hẹp này suốt từ nhiều năm nay kể từ khi Hamas chiếm đóng và chính quyền Israel áp đặt lệnh cấm vận lên dải Gaza. Ảnh: Time |
Tại khu chợ Nijma ở dải Gaza, người ta có thể tìm thấy bất cứ vật dụng gì, từ tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, TV màn hình phẳng, xoong chảo... với giá không rẻ chút nào. Do việc vận chuyển trên mặt đất bị chặn đứng, hầu như mọi loại hàng hóa ở đây được tuồn vào từ Ai Cập thông qua hệ thống đường ngầm chằng chịt bên dưới sa mạc cát. Có nhiều người Gaza thậm chí mua cả ôtô được lấy từ dưới đất lên.
Khi màn đêm buông xuống, nhân công liên tục vận chuyển gia súc, xe máy, thực phẩm và quần áo qua hầm. Tuy nhiên, thứ hàng hóa quan trọng nhất là nhiên liệu. Sau khi quân đội Israel chặn đường ống dẫn dầu từ phía họ và đánh bom đường ống từ các nước khác sang Palestine, giá nhiên liệu ở dải Gaza tăng vọt.
Những đường hầm trở thành mạch máu sống còn với dải Gaza suốt 2 năm trở lại đây, khi Hamas giành chiến thắng tại Palestine khiến Israel và Ai cập áp đặt lệnh cấm vận kinh tế và chính trị với nước này. Từ mùa đông năm ngoái, quân đội Israel đẩy mạnh chiến dịch bịt cửa hầm vì cho rằng chúng được dùng để vận chuyển vũ khí.
Tuy nhiên, hầm này bị bịt lại, hầm khác lại được mở ra nhanh chóng do những nguồn lợi nhuận béo bở từ chúng. Số lượng đường hầm từ khắp đường biên giới dồn về dải Gaza hiện nay nhiều hơn bao giờ hết. Nếu như cách đây 2 năm, số lượng hầm chỉ khoảng vài trăm, còn hiện nay có ít nhất 1.500 hầm đang được sử dụng, thu hút 30.000 nhân công từ khắp nơi trên lãnh thổ Palestine.
Thành phố Rafah của Palestine, cách dải Gaza 30 km về phía nam, trở thành thánh địa mua sắm và những chủ hầm trở thành ông hoàng. Tuy nhiên, đây là công việc bấp bênh và vô cùng nguy hiểm. Trong thời gian chiến sự, quân đội Israel liên tục dội bom xuống dải Gaza, khiến những hầm nào xây không chắc chắn có thể bị sập. Ai Cập cũng thường xuyên cho bịt những cửa hầm bên phía nước họ. Đến nay, ít nhất 116 người đã bị chết do hầm bị sập.
Công nhân đang vận chuyển cừu qua đường hầm. Ảnh: Getty Images |
Một chủ hầm, cũng là tay nhà giàu mới nổi, khoe khoang rằng mỗi năm anh ta kiếm được 1 triệu USD từ mỗi đường hầm, sau khi bỏ ra 300.000 USD để xây dựng. Còn tầng lớp công nhân, những người ngày đêm đào dưới lòng đất, kiếm được khoảng 32 USD mỗi ngày.
Tuy chủ hầm kiếm được bộn tiền, nhưng họ vẫn rất buồn lòng vì có tiền mà chẳng được đi đâu trong thời buổi chiến sự. Mơ ước của Osama, một chủ hầm 22 tuổi, là kiếm tiền và sau đó chuyển sang một nước khác hòa bình và ổn định hơn.