Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Duy trì phát triển bền vững làng nghề truyền thống

Kim Quyên
Chia sẻ Zalo

Làng nghề xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ) được hình thành và phát triển qua hàng thế kỷ. Nhờ dòng nước mát và phù sa cổ màu mỡ của dòng Nhị Hà mà Phú Thượng xưa có cánh đồng lúa trù phú, phì nhiêu. Mỗi khi vào mùa, hương lúa thơm ngát triền đê sông Hồng…

Xôi Phú Thượng mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội thanh lịch.  
Xôi Phú Thượng mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội thanh lịch.  

Từ những cánh đồng màu mỡ này, người dân Phú Thượng trồng được hai loại gạo thượng hạng là nếp cái hoa vàng và nếp dâu keo để đồ xôi. Cứ vào lúc chiều muộn hay sáng sớm, chỉ đến đầu làng Gạ (Kẻ Gạ, tức làng Phú Gia nằm bên bờ Nam sông Hồng, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), đã thấy hương xôi nếp lan tỏa khắp làng trên xóm dưới.

Trải qua quá trình lao động cần cù, sáng tạo, đến nay người Phú Thượng đã tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề. Xuất phát từ niềm đam mê và tình yêu nghề, các nghệ nhân rất công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến để tạo ra thành phẩm xôi Phú Thượng bóng, no tròn, dẻo ngon mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội thanh lịch.

Xôi Phú Thượng ngày càng phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ nâng cao, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Trước đây, xôi Phú Thượng chủ yếu là đậu xanh và xôi gấc thì ngày nay, xôi Phú Thượng đã phong phú hơn với những loại mới phục vụ thị hiếu ngày càng tinh tế của thực khách như: Xôi vừng dừa, xôi xéo, xôi lạc, xôi vò, xôi ngô, xôi ngũ sắc…

Ngày 18/2/2019, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Quyết định số 11816/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu xôi Phú Thượng. Sản phẩm xôi Phú Thượng được quảng bá thông qua các hội chợ, triển lãm du lịch. Đặc biệt, xôi Phú Thượng được lựa chọn là 1 trong 9 món ăn của Thủ đô Hà Nội phục vụ tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, qua đó góp phần từng bước khẳng định thương hiệu của làng nghề xôi Phú Thượng đến thị trường trong nước và quốc tế.

Theo thông lệ hàng năm cứ đúng ngày 8/1 (âm lịch), người dân trong làng Phú Gia lại mở hội để tưởng nhớ Thành hoàng làng Trần Khai Nguyên - vị tướng tài ba dưới thời vua Hùng Vương đời thứ 6 đã góp công đánh giặc giữ nước. Đây là nét văn hóa truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Lễ hội đền Phú Gia bao gồm các nghi thức: Lễ tế thần, dâng hương rước kiệu, thổi xôi, ca hát, đấu võ, chọi gà…

Tham dự lễ hội đình Phú Gia, du khách được tham gia phần lễ, chơi vui hết mình ở phần hội và ở đây còn kết hợp quảng bá đặc sản làng quê như chè xôi, bánh đa kê, bánh trôi bánh chay và một số bánh truyền thống của làng nghề Phú Thượng.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Chủ tịch Hội làng nghề xôi Phú Thượng, trải qua quá trình lao động cần cù, sáng tạo, đến nay, người dân làng Gạ nói riêng và Nhân dân phường Phú Thượng nói chung đã tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề. Làng nghề xôi Phú Thượng hiện có gần 600 hộ làm nghề nấu xôi. Gánh xôi của các bà, các chị một thời không chỉ giúp mỗi gia đình Phú Thượng vượt qua khó khăn mà còn giúp các hộ làm giàu. Hàng năm, dân làng mở hội thi nấu xôi và dâng những mâm xôi to đẹp kết tinh từ tinh hoa trời đất cùng với tài hoa sáng tạo của con người lên thành hoàng làng với mong ước một mùa xuân mới an khang thịnh vượng.

Để có được những thúng xôi ngon dẻo, nóng hổi mỗi sáng, người nấu xôi phải dậy làm hàng từ 2 - 3h sáng. Khi bán hết thì lại phải bắt tay vào ngâm gạo, đỗ, lạc, chiều lại xóc gạo, rửa lá, đãi đỗ… cho kịp buổi hàng hôm sau. Mỗi loại xôi cần kỹ thuật riêng về ngâm gạo, trộn nguyên liệu, điều chỉnh lửa khi nấu. Thậm chí, vo gạo cũng cần kỹ thuật để gạo không bị vỡ. Những dụng cụ truyền thống để nấu xôi, ủ xôi cũng là bí quyết gia truyền.

Xôi làng Phú Gia xưa, hay Phú Thượng nay đã nâng tầm lên nghệ thuật ẩm thực Hà thành với thương hiệu đã được công nhận, gìn giữ. Những bà, những chị bán xôi truyền thống chân chất nét người ven đô xưa được tôn vinh thành nghệ nhân đất nghề. Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các thành viên như chia sẻ kinh nghiệm làm xôi, bán xôi, hỗ trợ kênh tiêu thụ sản phẩm… Qua đó, giúp các thành viên gắn kết và cùng giữ nét truyền thống của làng.

Hàng năm, các thành viên trong Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng còn có cơ hội tham dự các lớp tập huấn do chính quyền địa phương và các ngành tổ chức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng có gần 400 hội viên tham gia. Xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của TP Hà Nội.