Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EC bất ngờ cắt giảm dự báo tăng trưởng của châu Âu

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lạm phát cao và hoạt động kinh doanh trì trệ đang khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của lục địa già chững lại.

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU trong 2023 sẽ thấp hơn so với dự báo trước đó, do lạm phát cao kết hợp với hoạt động kinh doanh trì trệ sẽ ảnh hưởng đến tổng sản phẩm quốc nội, cũng như đè nặng lên thị trường khối.

Châu Âu đang đối diện với nhiều thách thức. Ảnh: The Financial Times
Châu Âu đang đối diện với nhiều thách thức. Ảnh: The Financial Times

Hiện nay, nhiệm vụ cấp bách của cơ quan này là tìm cách khôi phục lại nền kinh tế vốn đang suy yếu của EU và tình trạng suy giảm khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. Bất chấp việc EC đã triển khai gói kích cầu trị giá 800 tỷ euro (868 tỷ USD), triển vọng tăng trưởng vẫn ảm đạm.

Ngày 15/11, EC  dự báo rằng nền kinh tế của cả EU và khu vực sử dụng đồng euro sẽ tăng 0,6% trong năm 2023, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 9. Đây cũng là lần cắt giảm thứ hai liên tiếp trong năm nay.

Tình trạng lạm phát cao dai dẳng, phần lớn do việc mở cửa kinh tế trở lại sau đại dịch Covid-19 và cú sốc năng lượng do xung đột Nga-Ukraine, kết hợp với lãi suất tăng mạnh và thương mại toàn cầu chậm lại đã cản trở mức tăng sản lượng của châu Âu, khiến khu vực này bị bỏ lại so với Mỹ.

Ủy viên kinh tế Paolo Gentiloni cho biết: “Đây là một năm đầy thử thách với kinh tế châu Âu khi tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với dự kiến”.

EC cũng dự báo nến kinh tế EU sẽ tăng trưởng 1,3% vào năm 2024, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự kiến trước đó. 

Theo các nhà kinh tế, cơ hội phục hồi nền kinh tế dường như rất mong manh khi việc tăng lãi suất mạnh vẫn chưa tác động ngay lập tức đến người tiêu dùng và doanh nghiệp. Phần lớn họ vẫn đang tiếp tục các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp.  

Carsten Brzeski, nhà kinh tế tại ngân hàng ING, Hà Lan cho biết: “Dự báo của Ủy ban châu Âu vẫn còn khá cao so với mức tăng trưởng kinh tế thực sự”. Ông cho biết tăng trưởng của khu vực đồng euro dự kiến chỉ đạt mức 0,2% trong năm khi ảnh hưởng của những thách thức đối với nền kinh tế sẽ cao hơn nhiều.

Theo EC, nền kinh tế của 10 quốc gia EU, trong đó có cả Đức, sẽ thu hẹp đáng kể trong năm nay. Tuy nhiên, Thụy Điển là ngoại lệ khi vẫn sẽ tăng trưởng vào năm 2024.

Dữ liệu được công bố vào hôm thứ tư cho thấy xuất khẩu từ khu vực chung đồng euro cũng như sản xuất công nghiệp trong khối này đều giảm.

Cơ quan thống kê của EU, Eurostat, cho biết xuất khẩu của khu vực chung đồng euro đã giảm 9,3% trong tháng 9 so với năm 2022 và xuất khẩu hàng hóa trong khối đã giảm 15,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp khu vực đồng euro trong tháng 9  đã giảm 6,9% so với một năm trước, sau khi giảm 1,1%/tháng.

Từ những liệu trên, các nhà kinh tế nhận định rằng cơ hội phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế rất mong manh. Claus Vitesen, chuyên gia kinh tế tại công ty Pantheon Macro Economics, cho biết: “ Mọi lĩnh vực của khu vực tư nhân đều bộc lộ sự yếu kém. Thậm chí, mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn còn thấp bất chấp việc lạm phát đang trên đà giảm”.

Vào tuần trước, trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times, Cựu thủ tướng Ý và đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, Mario Draghi cho biết: “ Gần như châu Âu sẽ suy thoái vào cuối năm nay”.

Trong khi đó, EC cho biết lạm phát vẫn đang có xu hướng giảm, từ mức 6,5% trong năm nay xuống 3,5% vào năm 2024. Cơ quan này đồng thời cũng cho biết rằng sự bất ổn và rủi ro suy giảm triển vọng của nền kinh tế ngày càng gia tăng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine cũng như Hamas-Israel vẫn tiếp diễn.