Đã gần 1 tháng kể từ khi Israel tuyên chiến với nhóm chiến binh Hamas của Palestine và bắt đầu phát động chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza, nỗi lo về nguy cơ cuộc xung đột lan rộng tại Trung Đông cũng ngày càng gia tăng.
Giới phân tích năng lượng đang đánh giá những nguy cơ có thể xảy ra đối với Eo biển Hormuz - tuyến đường vận tải dầu quan trọng nhất thế giới, trong bối cảnh cuộc xung đột Hamas-Israel tiếp tục leo thang nghiêm trọng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, eo biển nằm giữa Oman và Iran là một tuyến đường vận tải biến mang tính chiến lược đối với nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Khoảng 20% tổng lượng dầu mà thế giới tiêu thụ được trung chuyển qua đây mỗi ngày.
Cuộc chiến tại Dải Gaza giữa Israel với phong trào vũ trang Hamas đã bước sang ngày thứ 28 liên tiếp, khiến hơn 9.000 người thiệt mạng và hơn 22.000 người khác bị thương. Phía Israel cũng ghi nhận hơn 1.400 người thiệt mạng và hơn 200 người bị Hamas bắt giữ.
Cuộc xung đột Hamas-Israel làm dấy lên mối lo ngại sẽ làm rộng trong khu vực, có thể lôi kéo Iran và các phe phái khác trong khu vực.
Mỹ đã triển khai các khí tài quân sự tới khu vực Trung Đông để hỗ trợ Israel đối phó các cuộc tấn công tên lửa do lực lượng phiến quân được Iran hậu thuẫn ở nước láng giềng Lebanon và Syria. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran ở Syria.
Ngân hàng Bank of America gần đây dự đoán rằng nếu Israel phát động cuộc chiến chống Iran, quốc gia Hồi giáo có thể đáp trả bằng việc đóng cửa Eo biển Hormuz, điều này có nguy cơ đẩy giá dầu nhảy vọt lên mức 250 USD/thùng.
Giới phân tích lo ngại rằng việc Israel ném bom dữ dội vào Dải Gaza sẽ khiến một số đối thủ của nước này như lực lượng Hezbollah phát động các cuộc tấn công mới, và điều này có nguy cơ khiến cuộc xung đột hiện tại lan rộng khắp Trung Đông.
Cuối tuần trước, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cảnh báo rằng Israel đã “vượt qua ranh giới đỏ, điều này có thể buộc mọi người phải hành động”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng khả năng Iran đóng cửa Eo biển Hormuz khó có thể xảy ra.
Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates, nói với đài CNBC: “Khả năng xảy ra gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là việc đóng cửa Eo biển Hormuz, là rất thấp”. Ông giải thích thêm rằng các nhà sản xuất dầu mỏ lớn tại Trung Đông như Ả Rập Saudi, Iran, Iraq và Kuwait hiện vẫn phụ thuộc vào tuyến đường vận chuyển mang tính chiến lược này.
Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs cũng nêu quan điểm tương tự. Daan Struyven - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu mỏ của Goldman Sachs hôm 26/10 khẳng định “kịch bản nguồn cung dầu mỏ sụt giảm nghiêm trọng” do sự gián đoạn thương mại tại Eo biển Hormuz khó có thể xảy ra.
Trước đó, vào năm 2019, Tehran nhiều lần đe dọa sẽ làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu qua Eo biển Hormuz sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này. Theo dữ liệu từ Hải quân Mỹ, chỉ trong 2 năm gần đây, Iran đã tấn công hoặc can thiệp vào 15 tàu buôn mang cờ quốc tế.
Đầu tuần này, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá dầu có thể tăng lên 157 USD/thùng nếu cuộc xung đột tại Trung Đông tiếp tục leo thang.
WB cảnh báo, dù ảnh hưởng của xung đột Israel - Hamas với giá dầu tới nay vẫn còn hạn chế nhưng giá “vàng đen” có thể nhanh chóng tăng sốc hơn nếu xung đột leo thang.
Theo kịch bản xấu nhất do WB đưa ra, tình trạng "gián đoạn lớn" tương đương với lệnh cấm vận dầu mỏ Ả Rập năm 1973, khiến nguồn cung mất từ 6-8 triệu thùng mỗi ngày, có thể khiến giá dầu tăng từ 56% đến 75%. Theo kịch bản này, giá dầu sẽ tăng lên mức từ 140 USD đến 157 USD mỗi thùng.
Đề cập đến cảnh báo mới nhất của WB, chuyên gia Lipow nói rằng kịch bản trên khó có thể xảy ra. “Thời điểm hiện tại khác xa so với cách đây 50 năm vì các quốc gia Trung Đông đang cần nguồn thu từ dầu mỏ” - ông nói thêm.