Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Èo uột thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Èo uột” là cách mà nhiều chuyên gia nói về quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam hiện nay. Là kênh quan trọng giải quyết bài toán vốn cho DN nhưng việc phát triển thị trường này lại đứng trước rất nhiều rào cản.

 Ảnh minh họa
Lép vế so với tín dụng ngân hàng
Theo các chuyên gia, một nền kinh tế lành mạnh phải bao gồm 3 kênh dẫn vốn chính là: Ngân hàng, bảo hiểm và thị trường chứng khoán, trong đó chú trọng đặc biệt tới TPDN. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, dù có sự tăng trưởng nhất định nhưng quy mô thị trường TPDN vẫn “lép vế” so với kênh tín dụng ngân hàng và quy mô thị trường các nước trong khu vực.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, tính đến cuối năm 2017, dư nợ của thị trường TPDN tương đương 6,19% GDP, tăng so với quy mô của năm 2011 (3,31% GDP). Khối lượng phát hành bình quân giai đoạn 2011 - 2017 khoảng 49.000 tỷ đồng/năm, trong đó, khối lượng phát hành năm 2017 gấp hơn 10 lần so với năm 2011. Dù quy mô thị trường TPDN có sự tăng trưởng nhưng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP). Dư nợ thị trường TPDN Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20 - 50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế.

Là chuyên gia kinh tế, đồng thời tham gia hoạt động điều hành DN, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, TPDN là một nguồn vô cùng quan trọng để giải quyết bài toán thiếu vốn trung, dài hạn nên phải tăng thị trường này lên. “Đặc biệt là với công ty khởi nghiệp, cần vốn để làm ăn, không thể chỉ trông chờ ngân hàng. Nhưng thị trường TPDN lại èo uột một cách thảm hại” - ông Nghĩa cho hay. Vị chuyên gia này nói thêm, các quy định pháp luật về phát hành trái phiếu là khắt khe, phi thực tế như bắt DN phải 3 năm liên tiếp có lãi, mà DN khởi nghiệp thì lấy đâu ra lãi? Nhưng người ta phải có quyền chào bán trái phiếu vì có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm thấy triển vọng vẫn đầu tư.

Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính Phan Thị Thu Hiền thừa nhận, về cơ chế chính sách, chưa thực sự cân bằng giữa chính sách huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và kênh tín dụng ngân hàng. Đối với chính sách phát hành TPDN, DN phải đáp ứng điều kiện chặt chẽ và tuân thủ quy trình thủ tục theo chuẩn mực thị trường để đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, còn có tâm lý e ngại khi huy động vốn trái phiếu, nhất là các DNNVV. Cơ sở nhà đầu tư trên thị trường cũng như TPDN chưa đa dạng, thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn, có tổ chức, các quỹ đầu tư mục tiêu, quỹ hưu trí nên nhu cầu đầu tư trên thị trường thiếu bền vững.

Tăng minh bạch

Theo các chuyên gia, việc cần làm là hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường vốn, tạo điều kiện cho cung - cầu vốn gặp nhau chứ không nên tạo ra nhiều hàng rào kỹ thuật can thiệp vào tính thị trường trên thị trường vốn. Ngoài ra, cần tăng minh bạch cho trái phiếu DN. Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, sự thiếu minh bạch của các DN Việt là yếu tố khiến các nhà đầu tư còn e dè khi lựa chọn trái phiếu DN.

Để giải quyết các nút thắt này, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 90, trong đó, nới lỏng điều kiện phát hành để tạo thuận lợi cho DN huy động vốn trái phiếu gắn với việc tập trung vào nhà đầu tư có tổ chức, tăng cường cơ chế công bố công khai thông tin của DN phát hành để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Việc đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, có chính sách khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư dài hạn như DN bảo hiểm, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện... cũng là giải pháp quan trọng để thị trường TPDN rộng đường hơn. Ngoài ra, để nâng cao khả năng huy động vốn trên thị trường trái phiếu, bản thân các DN cần tăng cường năng lực quản trị, chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, nâng cao nghĩa vụ công bố thông tin. Đồng thời tuyên truyền để các DN và định chế tài chính quan tâm tham gia huy động vốn qua phát hành trái phiếu.