EU chia rẽ trong kế hoạch cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban châu Âu (EU) dự kiến loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô từ Nga trong vòng từ 6-8 tháng, nhưng một số nước thành viên EU phản đối và đang tìm kiếm các giải pháp miễn trừ trong đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga.

Một số nước thành viên EU đang tìm kiếm các giải pháp miễn trừ trong đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga. Ảnh: Reuters
Một số nước thành viên EU đang tìm kiếm các giải pháp miễn trừ trong đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga. Ảnh: Reuters

Ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thông báo đề xuất gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Moscow theo từng giai đoạn. Cơ quan này muốn từng bước loại bỏ nguồn cung dầu thô của Nga trong 6 tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, các đề xuất trên vẫn còn phải chờ tất cả 27 nước thành viên thông qua. Phát biểu với hãng tin AFP, một số quan chức EU và các nhà ngoại giao châu Âu khẳng định đang có sự chia rẽ về kế hoạch trên trong bối cảnh một số nước EU còn phụ thuộc lớn vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập từ Nga.

Theo hãng tin Tass, Ngoại trưởng Hungary Peter Sijarto hôm 4/5 cho biết Hungary không thể ủng hộ đề xuất cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô từ Nga vì điều đó sẽ phá hủy an ninh năng lượng của nước này. "Gói trừng phạt của Brussels dự kiến ​​cấm vận chuyển dầu từ Nga đến châu Âu là quá gấp gáp, trong trường hợp của Hungary là vào cuối năm tới," Ngoại trưởng Sijarto nói trong một video đăng trên Facebook.

Ông Sijarto nhấn mạnh rằng Budapest không thể ủng hộ các biện pháp EU đề xuất theo hình thức hiện tại. Đề xuất cấm vận của Ủy ban châu Âu dự kiến loại bỏ dần nguồn cung cấp dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm dầu mỏ vào cuối năm 2022. “Hungary chỉ có thể đồng ý với các biện pháp này nếu việc nhập khẩu dầu thô từ Nga thông qua đường ống dẫn dầu được miễn các lệnh trừng phạt,” Ngoại trưởng Sijarto nhấn mạnh.

Trong khi đó, Reuters đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với tờ báo tài chính Capital hôm 4/5, Phó Thủ tướng Bulgaria Assen Vassilev nói rằng Bulgaria sẽ xin miễn trừ lệnh cấm vận dầu mỏ do EU đề xuất, nếu yêu cầu này được cho phép.

Neftochim Burgas - nhà máy lọc dầu duy nhất của Bulgaria thuộc sở hữu của tập đoàn dầu mỏ Lukoil (Nga) - là nhà cung cấp nhiên liệu chính ở Bulgaria. Nhà máy này tinh chế khoảng 50% dầu thô của Nga và 50% dầu thô từ các nguồn cung khác. “Về mặt công nghệ, nhà máy vẫn có thể hoạt động nếu không có dầu thô của Nga, nhưng điều đó sẽ khiến giá nhiên liệu tăng cao. Vì vậy, nếu Ủy ban châu Âu xem xét các trường hợp miễn trừ, chúng tôi muốn tận dụng quyền miễn trừ đó vì lợi ích tốt nhất của người tiêu dùng Bugaria,” Phó Thủ tướng Vassilev cho biết.

Cùng ngày, chính phủ Slovakia, quốc gia giống Hungary, gần như phụ thuộc 100% nguồn dầu thô của Nga qua đường ống Druzb, tuyên bố rằng nước này phản đối kế hoạch cấm vận của EU với lĩnh vực dầu mỏ của Nga, đồng thời kêu gọi có thêm thời gian để tìm nguồn cung cấp nhiên liệu thay thế.

Phát biểu với tờ Politico ngày 4/5, Thứ trưởng Kinh tế phụ trách chính sách năng lượng Slovakia Karol Galek, cho biết nước này muốn có một giai đoạn chuyển tiếp 3 năm để từng bước thực hiện đề xuất cấm vận của EU với lĩnh vực dầu mỏ của Nga. Thứ trưởng Galek lưu ý thêm rằng Slovakia một mặt ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU, nhưng mặt khác vẫn tiếp tục tìm kiếm một đặc cách miễn trừ để có thời gian đảm bảo nguồn cung dầu từ các nhà cung cấp khác.

Theo ông Galek, đề xuất cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng cho Slovakia, mà còn đe dọa đến an ninh năng lượng của các nước khác như Áo, Cộng hòa Czech và Ukraine. “Điều này sẽ phá hủy nền kinh tế châu Âu,” Thứ trưởng nói.

Phản ứng với kế hoạch của EU, Thủ tướng Czech Petr Fijala hôm 4/5 tuyên bố nước này sẽ yêu cầu một khoảng thời gian miễn trừ tham gia lệnh cấm vận của khối này đối với dầu mỏ của Nga nhằm có thời gian tăng công suất của đường ống dẫn dầu. "Chúng tôi đang cố gắng trì hoãn (tham gia trừng phạt) hai, có thể là ba năm," Thủ tướng Fiala nói tại cuộc họp báo hôm 4/5.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần