EU chuẩn bị tung gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 13 đối với Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

EU đang xem xét gói trừng phạt thứ 13 chống Nga. Ảnh: AFP
EU đang xem xét gói trừng phạt thứ 13 chống Nga. Ảnh: AFP

Theo AFP, một quan chức EU hôm 19/1 cho biết, Brussels dự kiến sẽ thông qua gói trừng phạt mới chống Moscow vào tháng 2 tới,  đánh dấu kỷ niệm hai năm bùng phát cuộc xung đột Nga-Ukraine.

EU đã áp đặt 12 gói trừng phạt đối với Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng hồi tháng 2/2022.

Quan chức EU nói rằng người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell "muốn gia tăng thêm áp lực kinh tế đối với Nga đúng vào thời điểm tròn 2 năm ngày xảy ra chiến sự tại Ukraine”. 

Các nhà ngoại giao châu Âu thừa nhận EU ngày càng khó thống nhất về các các lựa chọn trong gói trừng phạt mới đối với Nga nhằm hạn chế nguồn tài chính của Moscow.

Các nước Baltic và Ba Lan đang kêu gọi EU trừng phạt ngành hạt nhân và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Moscow. Trong khi đó, một số nước thành viên không đồng ý với đề xuất trên.

Theo Bloomberg, gói thứ 13 đang được EU thảo luận có thể bao gồm các hạn chế thương mại chặt chẽ hơn, cũng như biện pháp nhằm hạn chế việc “né” lệnh cấm vận thông qua các nước thứ ba và công ty châu Âu.

Cuộc thảo luận về các lệnh trừng phạt mới diễn ra trong bối cảnh EU đang nỗ lực thuyết phục Hungary, đồng minh thân cận nhất của Nga trong khối, từ bỏ quyền phủ quyết đối với khoản viện trợ tài chính 50 tỷ euro cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 1/2.

EU cũng đang thảo luận về việc thành lập quỹ mới để cung cấp vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, hiện khối này chưa đạt được đồng thuận về cách thay thế quỹ hiện có được sử dụng để hoàn trả số vũ khí mà các quốc gia thành viên đã gửi cho Ukraine.

Trước đó, ngày 18/12/2023, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 chống Moscow nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt mới đã được EU áp đặt đối với 61 cá nhân cũng như 86 công ty và tổ chức của Nga. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt mới nhất của EU cũng nhằm vào các kênh truyền hình Spas và Tsargrad, Rosfinmonitoring, Công ty Tupolev, Nhà máy trực thăng Kazan, và Tổ hợp Hàng không mang tên Ilyushin.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2024, EU sẽ áp đặt các hạn chế đối với việc nhập khẩu kim cương phi công nghiệp được khai thác, chế biến hoặc sản xuất tại Nga.

Để trả đũa gói trừng phạt thứ 12 của EU, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc tịch thu cổ phần trị giá hàng tỷ USD của hai công ty OMV (Áo) và Wintershall Dea (Đức) trong các dự án khai thác khí đốt ở vùng Bắc Cực của Nga.

Ngoài ra, Nga đã mở rộng đáng kể danh sách đại diện của các tổ chức châu Âu và các nước thành viên EU bị cấm đến lãnh thổ nước này. Danh sách này bao gồm đại diện của các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức thương mại EU, công dân của các nước thành viên EU chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, đại diện nhiều cơ quan châu Âu có liên quan tới hành động bất lợi nhằm vào Nga.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022, Mỹ và EU áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có nhằm làm sụp đổ nền kinh tế Nga và gây ra tình trạng bất ổn ở Moscow.

Tuy nhiên, trong cuộc giao lưu trực tuyến thường niên với người dân và truyền thông Nga hôm 14/12, Tổng thống Putin cho biết, bất chấp 11 vòng trừng phạt từ EU, nền kinh tế Nga đã phục hồi sau đợt suy thoái năm 2022.

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, tăng trưởng GDP của Nga năm 2023 dự kiến đạt 3,5% và biên độ an toàn của nền kinh tế đủ để Nga tự tin.