EU đối mặt “cú sốc” năng lượng mới khi từ chối thanh toán bằng rúp

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu Âu có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng do các quốc gia phương Tây từ chối thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp.

Cả EU và  G7 đều từ chối yêu cầu thanh toán hợp đồng mua khí đốt của Nga bằng đồng  rúp. Ảnh: RT
Cả EU và  G7 đều từ chối yêu cầu thanh toán hợp đồng mua khí đốt của Nga bằng đồng  rúp. Ảnh: RT

Nga sẽ chính thức thực hiện quy định thanh toán hợp đồng mua khí đốt của nước này bằng đồng rúp đối với các nước “không thân thiện” từ ngày 31/3, trong khi cả EU và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đều bác yêu cầu thanh toán bằng đồng nội tệ của Moscow. Sự bất đồng này có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung năng lượng tại châu Âu vốn đang thiếu hụt nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

Giá khí đốt tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng kỷ lục

Theo Reuters, trong năm 2021, Nga xuất sang EU khoảng 155 tỷ m3 khí đốt. Trong nỗ lực giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Moscow, cuối tuần trước, Mỹ và EU đã ký thỏa thuận năng lượng, theo đó Washigton cam kết "bơm" khoảng 15 tỷ m3 xuất khí đốt tự nhiên hóa  lỏng (LNG) cho EU trong năm nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng châu Âu sẽ khó tìm được nguồn năng lượng thay thế trong ngắn hạn. Ông Saad al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar kiêm Chủ tịch và Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng quốc gia QatarEnergy, nói rằng nước này không thể thay thế Nga cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu.

Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy các địa điểm lưu trữ khí đốt của EU mới chỉ đạt mức 26%. Nhà phân tích của Refinitiv dự báo rằng nguồn dự trữ của EU sẽ giảm về mức 23% vào ngày 1/10 tới nếu nguồn cung từ Nga bị ngừng hoàn toàn trong suốt mùa hè năm nay và không có thêm nguồn cung bổ sung. "Mức dự trữ khí đốt thấp như vậy sẽ là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh năng lượng ở châu Âu" - các nhà phân tích của Refinitiv cảnh báo. Trước đó, Ủy ban châu Âu đã đề xuất dự luật yêu cầu các nước thành viên EU phải lấp đầy ít nhất 80% kho dự trữ của mình trong năm nay.

Trong phiên giao dịch ngày 29/3, những lo ngại về nguồn cung từ Nga bị gián đoạn đã đẩy giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt 12%, vượt mức 1.300 USD/1.000 mét khối lần đầu tiên kể từ ngày 24/3. Tuyên bố của Nga về việc chi trả bằng đồng rúp đã khiến giá khí đốt ở châu Âu vọt lên hơn 30% trong ngày 28/3, trong lúc đang phải vật lộn với giá dầu tăng kỷ lục.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 23/3 đã yêu cầu các nước "không thân thiện" phải trả tiền khí đốt cho Nga bằng đồng rúp nhằm đáp lại các trừng phạt của Mỹ và đồng minh đang khiến kinh tế và đồng rúp của Nga bị ảnh hưởng nặng nề. Ngân hàng trung ương, chính phủ và Công ty Gazprom - nhà cung cấp đến 40% khí đốt nhập khẩu của châu Âu - sẽ trình các đề xuất về cơ chế chi trả mới lên ông Putin trước ngày 31/3.

Phát biểu trước báo giới hôm 29/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định các công ty nước ngoài cần nắm được rằng các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đã thay đổi tình hình. Điều này đồng nghĩa rằng họ cần mua và thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng Nga sẽ không xuất khẩu khí đốt miễn phí và Moscow đang tìm kiếm các biện pháp nhằm giúp việc thanh toán khí đốt trở nên đơn giản, rõ ràng và thực tế.

IEA cảnh báo khủng hoảng năng lượng toàn cầu

RT đưa tin, tại cuộc họp mới đây giữa các Bộ trưởng Năng lượng và Khí hậu, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cảnh báo xung đột Nga-Ukraina có thể sớm dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. “Với vai trò của Nga trong hệ thống năng lượng toàn cầu, cuộc khủng hoảng nhân đạo này có thể được nối tiếp bằng một cuộc khủng hoảng năng lượng” - RT dẫn lời ông Birol nói.

Lãnh đạo IEA lưu ý thêm, điều quan trọng là phải xác định những biện pháp mà cộng đồng toàn cầu có thể thực hiện để tránh điều này. Ông Birol nhấn mạnh: “Tình hình như vậy khẳng định sự cần thiết phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc tế”.

Mỹ và Anh hồi đầu tháng này cho biết sẽ ngừng mua dầu mỏ của Nga. Ảnh: Getty
Mỹ và Anh hồi đầu tháng này cho biết sẽ ngừng mua dầu mỏ của Nga. Ảnh: Getty

Trong tuần trước, cơ quan giám sát năng lượng toàn cầu cho biết đã đưa ra kế hoạch 10 bước nhằm giảm nhu cầu dầu toàn cầu 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng. Theo đó, tổ chức này đề xuất giảm tốc độ giới hạn trên đường cao tốc xuống 10km/h, cấm sử dụng ô tô vào chủ nhật, giảm giá giao thông công cộng, khuyến khích dịch vụ thuê xe, mở rộng làm việc online lên ba ngày một tuần, thúc đẩy sử dụng tàu cao tốc và các chuyến tàu ban đêm thay vì máy bay, cũng như sử dụng rộng rãi hơn xe điện.

“Điều này sẽ làm giảm đáng kể những căng thẳng tiềm tàng vào thời điểm mà một lượng lớn nguồn cung cấp của Nga có thể không còn tiếp cận thị trường và mùa cao điểm tháng 7-8 đang đến gần” - thông cáo báo chí của IEA nêu rõ.

Cảnh báo trên được IEA đưa ra trong bối cảnh dòng chảy dầu mỏ từ Nga có thể gặp trở ngại trên thị trường toàn cầu do chịu tác động từ các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraina. Nga  hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới.

Mỹ và Anh hồi đầu tháng này cho biết sẽ ngừng mua dầu mỏ của Nga, trong khi EU vẫn còn chia rẽ về vấn đề này. IEA ước tính trong báo cáo tháng 3 rằng Nga có thể mất khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu do các lệnh trừng phạt kinh tế. Trong khi đó, các quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga cũng gánh chịu những tác động kinh tế khá lớn. Lạm phát ở cả Mỹ và EU đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, trong đó chi phí năng lượng đóng góp nhiều nhất vào việc tăng giá.