Theo đài RT, tờ Wall Street Journal đưa tin, các quan chức của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, nguyên tắc quốc tế về quyền miễn trừ của nhà nước không cho phép cơ quan hành pháp tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga.
Tuy nhiên, khối này hy vọng sẽ thành lập một tòa án quốc tế để truy tố các quan chức Nga về chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo các quan chức EC, về mặt pháp lý, các quỹ đóng băng vẫn thuộc về Nga hoặc các công dân nước này. Để sử dụng những tài sản này, EU cần tìm cách tịch thu chúng.
Sputnik ngày 1/12 đưa tin Ủy ban châu Âu trong tuần này đã đề xuất tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và tìm kiếm phương án pháp lý để dùng số tiền đó hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trong ngắn hạn, EU và các đối tác có thể quản lý số tài sản của Nga bị “đóng băng” và mang đi đầu tư. Số tiền thu được sẽ được chuyển đến Ukraine để bồi thường những thiệt hại do chiến sự ở nước này.
"Chúng tôi sẽ làm việc dựa trên thỏa thuận quốc tế với các đối tác để biến điều này thành hiện thực. Chúng ta có thể cùng nhau tìm ra những cách hợp pháp để đạt được điều đó" - bà Ursula von der Leyen viết trên trang Twitter hôm 30/11.
EU đã thu giữ tài sản với tổng giá trị khoảng 17,4 tỷ euro (tương đương 18 tỷ USD) của các doanh nhân và công ty Nga, cùng với tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, như một phần của các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Theo EC, Brussels không có số liệu cụ thể về lượng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga mà các nước trong khối nắm giữ.
Điện Kremlin cho biết khoảng 300 tỷ USD dự trữ ở nước ngoài đã bị "đóng băng" kể từ tháng 3, cùng với hàng tỷ USD thuộc về các doanh nghiệp và cá nhân Nga.
Quan chức EU, Mỹ và các nước phương Tây khác đã tích cực thảo luận trong nhiều tháng qua về cách thu giữ tài sản của Nga ở nước ngoài một cách hợp pháp, bao gồm của nhà nước và tư nhân, đang bị “đóng băng” do lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, ở hầu hết quốc gia thành viên EU, việc thu giữ tài sản bị đóng băng chỉ có thể thực hiện hợp pháp khi có bản án hình sự.
Bên cạnh đó, nhiều tài sản của công dân Nga bị liệt vào danh sách đen rất khó thu giữ hoặc đóng băng vì chúng được đăng ký dưới tên của các thành viên trong gia đình hoặc một người đại diện.
Trong khi đó, Washington đang phải đối mặt với những thách thức khi sử dụng các quỹ của Nga. Quan chức của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp Mỹ được cho là đã yêu cầu các nhà lập pháp xây dựng luật mới để mở rộng quyền hạn, không chỉ “đóng băng” mà còn tịch thu tài sản Nga. Chính quyền Mỹ bị hạn chế về những gì họ có thể làm cho đến khi quy định mới được ban hành.
Nga nhiều lần chỉ trích động thái của Mỹ và phương Tây, nói rằng việc đóng băng dự trữ ngân hàng trung ương và tài sản của công dân nước này là bất hợp pháp. Moscow tuyên bố nỗ lực của EU nhằm tịch thu tài sản bị “đóng băng” của Nga là vi phạm Hiến pháp châu Âu và luật pháp quốc tế, đồng thời cảnh báo sẽ làm tìm mọi cách để thu lại số tài sản đang bị phong tỏa.