EU không vui khi ứng viên thân Nga giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Slovakia

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Slovakia của cựu Thủ tướng Robert Fico, quan điểm phản đối hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể tác động tới sự thống nhất đoàn kết trong Liên minh châu Âu và NATO

Cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã giành chiến thắng trước đối thủ của đảng Cấp tiến trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra hôm 30/9. Ảnh: Reuters
Cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã giành chiến thắng trước đối thủ của đảng Cấp tiến trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra hôm 30/9. Ảnh: Reuters

Cuộc bầu cử Quốc hội Slovakia ngày 30/9 được cho là phép thử sự ủng hộ của quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối với nước láng giềng Ukraine trong cuộc xung đột quân sự với Nga.

Theo kết quả bầu cử sơ bộ được công bố ngày 1/10, cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã giành chiến thắng trước đối thủ của đảng Cấp tiến trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra 1 ngày trước đó.

Tuy nhiên, ông Fico sẽ vẫn cần phải thuyết phục các đồng minh để thành lập chính phủ tiếp theo.

Theo Reuters, với 98% số phiếu bầu được kiểm, đảng Dân chủ Xã hội của ông Fico đã dẫn đầu với 23,37% phiếu bầu. Phong trào Cấp tiến Slovakia (PS) theo sau với 16,86% và đảng Tiếng nói (HLAS) đứng thứ ba với 15,03% phiếu bầu.

Do không có đảng nào giành được đa số ghế trong Quốc hội nên cần phải thành lập một chính phủ liên minh.

Theo truyền thống, tổng thống yêu cầu người chiến thắng trong cuộc bầu cử thành lập chính phủ, vì vậy ông Fico có hy vọng giành được nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư sau khi lãnh đạo chính phủ Slovakia vào các năm 2006-2010 và 2012-2018.

Theo dự báo, ông Fico có thể liên kết với đảng HLAS - tổ chức tách khỏi đảng Dân chủ Xã hội vào năm 2020, và đảng Quốc gia Slovakia theo chủ nghĩa dân tộc đã giành được 5,68% số phiếu tại cuộc bầu cử hôm 30/9.

Nếu đạt được sự đồng thuận giữa ba đảng này, thì Liên minh sẽ gần như chiếm đa số ghế trong nghị viện và có thể thành lập chính phủ.

Giới phân tích nhận định, chính phủ liên minh cựu Thủ tướng Fico và đảng Dân chủ xã hội do ông lãnh đạo được dự báo sẽ dẫn đến khả năng Slovakia - quốc gia thành viên NATO, cùng với Hungary sẽ thách thức sự đồng thuận của Liên minh châu Âu (EU) về việc hỗ trợ Ukraine.

Chiến dịch tranh cử của ông Fico với cam kết không hỗ trợ quân sự cho nước láng giềng Ukraine đã gây được tiếng vang ở quốc gia 5,5 triệu dân này.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 1/10, ông Fico khẳng định: “Chúng tôi không thay đổi quan điểm rằng Slovakia chỉ hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ việc tái thiết đất nước, nhưng chúng tôi sẽ không trang bị vũ khí cho Ukraine”.

Theo ông Fico, Slovakia đang phải giải quyết những vấn đề nóng khác, bao gồm giá năng lượng và chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, ông khẳng định đảng Dân chủ Xã hội của ông sẽ nỗ lực hết sức để tìm giải pháp hòa bình cho Ukraine.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Fico cũng quan tâm đến lo ngại về sự gia tăng số lượng người di cư đi qua Slovakia để đến Tây Âu.

Bên cạnh đó, quan điểm của ông Fico cho thấy muốn duy trì quan hệ gắn bó truyền thống giữa Slovakia và Nga. Quan điểm thân Nga của ông Fico tương tự như tâm trạng của người dân Slovakia, vốn có truyền thống tương đối ủng hộ Moscow. 

Ông Fico đã thể hiện sự bất mãn với liên minh trung hữu đang bất đồng vốn dẫn đến chính phủ của họ đã sụp đổ vào năm 2022, khiến cuộc bầu cử Quốc hội lần này diễn ra sớm hơn  6 tháng.

Ông Fico cũng cam kết chấm dứt viện trợ quân sự cho Kiev và nỗ lực tìm kiếm các cuộc đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine. Đây là đường lối gần giống với đường lối của Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ông Fico cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Nga và bảo vệ quyền phủ quyết của các quốc gia ở EU.

Tuy nhiên, ông Fico trước đây cũng là một nhà lãnh đạo thực tế, điều mà giới phân tích và các nhà ngoại giao cho rằng có thể hạn chế sự thay đổi bước ngoặt chính sách đối ngoại của Slovakia.