Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU nỗ lực cải tổ

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những hoài nghi về tương lai của Liên minh châu Âu (EU) khi phải đối diện với các thách thức chưa từng có, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker đã đưa ra những đề xuất nhằm cải tổ EU thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp của Nghị viện châu Âu diễn ra ở Strasbourg, Pháp vào ngày 13/9, ông Jean - Claude Juncker nhận định nhận định đây là thời điểm thích hợp để tiến hành các cải tổ.
 Chủ tịch EC Juncker phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp.
Mức tăng trưởng kinh tế bình quân của EU đạt trên 2% và tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 9 năm qua, nền kinh tế EU đang từng bước hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009. Tình hình kinh tế ổn định là tiền đề để EU thực hiện các bước đi nhằm cải cách sâu rộng bộ máy và cách thức điều hành liên minh.
Một trong những đề xuất táo bạo nhất được ông Juncker đưa ra là kế hoạch nhất thể hoá lãnh đạo trong EU – một ý tưởng về lý thuyết nếu được thực thi sẽ xoá đi vai trò của chính người đề xuất ra nó. Là một trong những liên minh có lịch sử lâu đời với quy mô kinh tế lớn nhất thế giới, tuy nhiên, thay vì được điều hành dưới sự lãnh đạo duy nhất, EU là tổ chức được cấu thành từ các định chế chính trị, chịu trách nhiệm cho những lĩnh vực chính như lập pháp, hành pháp và tư pháp. Với cơ chế này, hiện ông Juncker, cựu Thủ tướng Luxembourg là Chủ tịch EC, cơ quan nắm giữ quyền hành pháp. Trong khi đó, ông Donald Tusk, cựu Thủ tướng Ba Lan nắm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng châu Âu, thể chế chịnh trị cao nhất của EU với vai trò đưa ra những quyết sách và định hướng tương lai cho khối. Chịu trách nhiệm về khía cạnh lập pháp là 2 cơ quan bao gồm Nghị viện châu Âu với ông Antonio Tajani giữ vị trí Chủ tịch, và Hội đồng Bộ trưởng, với vị trí người đứng đầu được thay luân phiên giữa thành viên các nước 6 tháng một lần.
Điều này đã đặt ra câu hỏi ai thực sự nắm quyền điều hành tổ chức gồm 28 quốc gia thành viên, hay thực chất chính là Đức, quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh và tầm ảnh hưởng nhất trong khối? Chính sự phức tạp và có phần chồng chéo trong hoạt động của EU đã khiến tổ chức này bị chỉ trích thiếu tính dân chủ trong việc đưa ra các quyết sách có tác động trực tiếp tới người dân châu Âu. Điều này đã được chính ông Juncker thừa nhận, qua đó người đứng đầu EC đề xuất việc hợp nhất 2 chức danh Chủ tịch EC và Chủ tịch Hội đồng châu Âu với mục tiêu tối giản hoá bộ máy EU.
Bên cạnh đó, ông Juncker cũng đề xuất việc sáp nhập các chức danh Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng tài chính châu Âu (Eurogroup), với chức danh Phó Chủ tịch EC. Sự hợp nhất sẽ tạo ra một siêu Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính của toàn bộ EU. Ông Juncker cho rằng vị Bộ trưởng mới có thể điều hành các thể chế tài chính trong EU một cách nhất quán và xuyên suốt, qua đó đưa ra những biện pháp kịp thời hỗ trợ các quốc gia đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Ngoài ra, điều này cũng được cho sẽ góp phần đẩy nhanh các thoả thuận thương mại mà EU đang đàm phán.
 
Trước những hoài nghi về tương lai của EU, đề xuất của ông Juncker đang cho thấy quyết tâm của lãnh đạo châu Âu trong việc biến thời điểm này thành cơ hội để thúc đẩy các cải tổ mạnh mẽ, qua đó tiếp tục đưa con thuyền châu Âu tiến lên phía trước.
Ngọc Lâm