Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU thông qua gói trừng phạt thứ 10 chống Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – EU cho biết gói trừng phạt mới nhất nhằm mục đích ngăn các nguồn tài chính tài trợ cho Nga, khiến nước này thiếu thiết bị công nghệ và phụ tùng sản xuất vũ khí để chống lại Ukraine.

EU cho biết gói trừng phạt thứ 10 của khối này đối với Moscow nhằm mục đích ngăn các nguồn tài chính tài trợ cho Nga. Ảnh: Reuters
EU cho biết gói trừng phạt thứ 10 của khối này đối với Moscow nhằm mục đích ngăn các nguồn tài chính tài trợ cho Nga. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ngày 24/2, Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga vào dịp tròn một năm ngày Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Gói trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga bao gồm các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với hàng hóa sử dụng lưỡng dụng (quân sự và dân sự), cũng như các biện pháp chống lại các thực thể hỗ trợ xung đột, tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái được Nga sử dụng.

Gói trừng phạt thứ 10 của EU cũng bổ sung thêm nhiều cá nhân vào danh sách đen, trong đó có những người mà phương Tây cho là tham gia vào chiến dịch tuyên truyền của Nga, cá nhân tham gia sản xuất máy bay không người lái của Iran được triển khai ở chiến trường Ukraine.

Thụy Điển, nước giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu cho biết, gói trừng phạt này cũng được đưa ra nhằm loại bỏ nhiều ngân hàng, bao gồm ngân hàng tư nhân Alfa-Bank, ngân hàng trực tuyến Tinkoff... khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, đồng thời cắt giảm thương mại giữa EU và Nga hơn 10 tỷ euro.

EU cho biết gói trừng phạt thứ 10 của khối này đối với Moscow nhằm mục đích ngăn các nguồn tài chính tài trợ cho Nga, khiến  nước này thiếu thiết bị công nghệ và phụ tùng sản xuất vũ khí để chống lại Ukraine.

Trước đó, hôm 15/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga, với mục đích cắt nguồn cung hàng hóa giá trị khoảng 11 tỷ euro (tương đương 11,8 tỷ USD). Đó là những hàng hóa công nghiệp mà Nga cần và không thể tìm được nguồn cung từ các nước thứ ba. Theo đó, Brussels muốn áp hạn chế xuất khẩu thêm 47 mặt hàng thiết bị điện tử sử dụng trong các hệ thống vũ khí như máy bay không người lái, tên lửa và trực thăng.

EU cũng cân nhắc cấm công dân nắm giữ chức vụ quản lý của các công ty quan trọng của châu Âu và hạn chế cung cấp khả năng lưu trữ khí đốt cho các thực thể được thành lập ở Nga.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, phương Tây đã áp 9 gói trừng phạt đối với Nga, nhắm vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, cũng như giới doanh nhân, chính trị gia và nhà báo. Nga hiện là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới, với hàng chục nghìn lệnh cấm vận được áp lên các cá nhân và tổ chức của nước này.

Theo Cơ quan Đối ngoại EU, cho tới nay, 1.386 cá nhân và 171 công ty của Nga đã được đưa vào danh sách trừng phạt.

Phía Nga đã lên án các biện pháp trừng phạt của EU và bác bỏ tác động của các lệnh này lên Moscow.

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo của Nhóm G7 cũng đồng ý tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukaine, theo một tuyên bố chung được thông qua sau cuộc hội đàm trực tuyến hôm 24/2.