KTĐT - Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các bộ trưởng tài chính phải chịu áp lực để tìm ra quan điểm chung về "quy mô cũng như phạm vi" cải tổ quỹ cứu trợ trị giá 750 tỷ euro.
Bộ trưởng tài chính 17 nước khu vực đồng euro (Eurozone) ngày 17/1 đã bắt đầu cuộc họp hai ngày tại Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận về một thỏa thuận tăng quy mô quỹ cứu trợ cho các nước thành viên có nguy cơ vỡ nợ, đồng thời xoa dịu những quan ngại trên thị trường rằng sau Hy Lạp và Ireland, những nước khác có thể cần được giải cứu.
Một loạt vấn đề đã được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp, như đề xuất của Bỉ tăng gấp đôi quy mô cứu trợ, từ 750 tỷ euro (1.000 tỷ USD) hiện nay lên 1.500 tỷ euro, và kiến nghị của Pháp nhằm cho phép quỹ này được mua trái phiếu của những nước gặp khó khăn trong Eurozone tại các thị trường thứ cấp.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các bộ trưởng tài chính phải chịu áp lực để tìm ra quan điểm chung về "quy mô cũng như phạm vi" cải tổ quỹ cứu trợ trị giá 750 tỷ euro.
Lâu nay, giữa các nước khu vực đồng tiền chung vẫn đang tồn tại những bất đồng về thời điểm thích hợp để tăng nguồn vốn cho quỹ. Đức, quốc gia đóng góp lớn nhất cho quỹ, tới tham dự hội nghị với quan điểm không có lý do gì phải vội vàng, bất chấp việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso kêu gọi các nhà lãnh đạo EU mở rộng nguồn ngân sách cho quỹ này tại hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân, dự kiến diễn ra vào ngày 4/2 tới.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nhấn mạnh rằng sở dĩ sức ép thị trường gia tăng trong tuần qua là do một số nước như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha được xem như những nạn nhân tiếp theo có khả năng phải kêu gọi cứu trợ.
Theo một nhà ngoại giao EU, để tối đa hóa hiệu quả của quỹ giải cứu, nhóm sáu nước khu vực đồng euro được xếp hạng tín nhiệm "AAA" gồm Đức, Pháp, Hà Lan, Áo, Luxembourg và Phần Lan đã đạt được một gói biện pháp nhằm cải thiện việc sử dụng các nguồn lực hiện có thay vì bơm thêm tiền cho quỹ, trong đó có các chính sách củng cố tài chính, tăng trưởng và cải cách kinh tế./.