EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ, khi luôn chiếm 17 – 18% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này vào thị trưởng EU đang có dấu hiệu chững lại sau khi tăng mạnh tới gần 22% vào năm 2017.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản sang EU đạt 1,47 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,7% so với năm 2017. Trong đó, riêng với sản phẩm tôm, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU đạt 840 triệu USD, giảm 2,2% so với với năm 2017. Tuy nhiên, thị phần tôm Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU lại tăng. Do đó, EVFTA được chờ đợi sẽ là cú huých rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam ngay sau khi có hiệu lực, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như thủy sản vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh trước đó.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), EU chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU sẽ về 0%, bao gồm tôm nguyên liệu mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm hùm xanh ướp đá; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông lạnh…) từ mức hiện tại 12,5%;
Tôm mã HS 03061710 (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú lặt đầu còn vỏ, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh…) từ mức hiện tại 20%; Tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 từ mức 12% hiện tại.
Ngoài ra, sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tôm mã HS 03061794 sẽ giảm về 0% từ 18%. Đối với sản phẩm tôm chế biến, tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) và tôm mã HS 16052190 (tôm khác) sẽ được điều chỉnh từ mức 20% về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực vào năm 2024.
Năm 2018, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm chế biến lớn nhất cho EU với thị phần chiếm 22,6% về lượng.
Hiện tại, mức thuế GSP (chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập) mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%, đã giúp Việt Nam có lợi thế hơn so với 2 nước đối thủ là Thái Lan và Trung Quốc khi 2 nước này không được hưởng mức thuế GSP từ EU. Tuy nhiên, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ của EU để được hưởng mức thuế này.