KTĐT - Sau hai ngày họp tại Bangkok (Thái Lan) để bàn về tình trạng lương thực tăng giá, ngày 11/3, Hội nghị của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã nhất trí tránh các biện pháp hạn chế có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng giá lương thực.
Đại biểu 19 quốc gia châu Á cùng với Nhật Bản và Mỹ thừa nhận hạn chế xuất khẩu và tích trữ lương thực gần như là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng giá lương thực hồi năm 2007-2008 và sai lầm này không thể bị lặp lại.
Các đại biểu cam kết sẽ hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, trong đó tập trung nghiên cứu và cải tiến công nghệ hiệu quả hơn. Hội nghị cũng nhất trí rằng các quốc gia cần có sẵn các biện pháp an toàn nhằm giúp phụ nữ, trẻ em, người nghèo cũng như những người dễ bị tác động bởi tình trạng giá lương thực tăng cao.
Đây là hội nghị đầu tiên trong một loạt cuộc họp khu vực mà FAO dự kiến sẽ tổ chức nhằm giúp các nước đối phó tốt hơn và ngăn chặn tình trạng tăng giá lương thực.
FAO cho hay giá lương thực toàn cầu trong tháng 2/2011 đã tăng lên mức cao kỷ lục và có thể chưa dừng lại do giá dầu tăng ảnh hưởng tới chi phí vận chuyển./.